Trong nước

TP HCM tổng lực chống Covid-19

Phương hướng hành động phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM là dự báo sớm; phát hiện sớm và đủ người có nguy cơ lây nhiễm; cách ly kịp thời; khoanh vùng dập dịch hợp lý, xử lý triệt để

Chiều 24-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Cuộc họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Chuẩn bị thêm hàng loạt khu cách ly

Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay nguy cơ lây lan dịch Covid-19 lớn nhất là những người nhập cảnh về từ vùng dịch. Cụ thể, tại TP đã xuất hiện 2 ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng gồm tại quận 8 (dự thánh lễ với ca nhiễm về từ Malaysia) và quán bar Buddha ở quận 2. Ở ổ dịch tại quận 8, TP đã phân lập xét nghiệm hơn 40 người cho kết quả âm tính. Riêng ổ dịch ở quán bar là đáng quan ngại. Ổ dịch này liên quan đến ca mắc Covid-19 thứ 91 (phi công người Anh), ca này sau đó lây ra cho 6 người. Phi công này lưu trú tại chung cư (nơi có khoảng 1.000 người sinh sống). Do số lượng người Anh cư trú trong căn hộ chung cư, đồng thời di chuyển rất nhiều nên công tác rà soát, kiểm tra, truy tìm những người tiếp xúc tại các quận, huyện rất vất vả.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp. (Ảnh do Trung tâm Báo chí TP HCM cung cấp)

Ngoài ra, TP cũng xác định nguồn lây nguy cơ cao là cán bộ giao dịch trực tiếp với người từ vùng dịch về và người lây nhiễm từ vùng dịch về. Theo đó, Sở Y tế đề xuất trong tuần này, mọi người nếu không có việc gì thì ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh tụ tập đông người, tạm ngưng vận hành các tuyến xe buýt công cộng, taxi phải mở cửa thông thoáng, tắt máy lạnh, các cửa hàng không cần thiết nên đóng cửa, các quán ăn không mở máy lạnh, phải mở cửa sổ, không tập trung quá 10 người trong quán ăn. Giải tỏa ngay học sinh, sinh viên còn lưu trú tại ký túc xá. Đặc biệt, các quận, huyện rà soát lại danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8-3 trở lại đây chưa cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà thì đưa đi xét nghiệm lại hết, xét nghiệm trên diện rộng.

Lãnh đạo ngành y tế TP cho biết TP sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều khu cách ly, trong đó ngay lập tức đưa vào khu cách ly với 900 giường tại Trường Đại học Tin học - Ngoại ngữ ở huyện Hóc Môn. Khu cách ly tập trung Học viện Hành chính khu vực II tại quận 9 cũng sẽ đưa vào vận hành sáng 25-3 với số phòng hơn 1.000, trong đó dùng 100 phòng đơn cho ngoại giao đoàn, khách quốc tế và sẽ thu phí. Ngoài ra, ban chỉ đạo cũng khảo sát địa điểm ký túc xá Trường Đại học Giao thông Vận tải và Học viện Thanh thiếu niên Miền Nam tại quận 9; các địa điểm khác tại Thủ Đức, Hóc Môn..., dự kiến sau khảo sát nếu đủ điều kiện, TP sẽ có thêm nhiều khu cách ly mới. "Tại các khu cách ly tập trung không tiếp nhận nhu cầu tiếp phẩm, không tiếp xúc phòng này sang phòng kia. Các giường cách nhau 2 m…" - Giám đốc Sở Y tế TP nhấn mạnh.

Lỡ thời cơ vàng chống dịch là có lỗi với đất nước

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, đề nghị công tác phòng chống dịch Covid-19 phải làm quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, khi triệu tập là phải có mặt ngay; các lực lượng quân đội, công an, y tế phối hợp chặt chẽ, hàng đầu. Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong 2 tuần tới, phải làm quyết liệt để kiềm chế dịch bệnh. "Chỉ 10-15 ngày thôi, nếu lỡ thời cơ này thì chúng ta có lỗi với đất nước. Nếu để lỡ 2 tuần này thì không làm lại được. Trong 2 tuần tới, giải pháp 2 tháng qua không làm thì 2 tuần tới phải thực hiện" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Theo đó, 2 tuần tới phải hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách không đi xe buýt, hạn chế đi lại, đeo khẩu trang nơi công cộng, phạt nặng bán khẩu trang dỏm, đã qua sử dụng,… "Tất cả các việc này phải làm cương quyết để TP HCM có không quá 150 người mắc Covid-19" - ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.

Từ đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số phương hướng hành động sắp tới. Đó là dự báo sớm; phát hiện sớm, phát hiện đủ người có nguy cơ lây nhiễm; cách ly kịp thời và đầy đủ; khoanh vùng dập dịch hợp lý và xử lý triệt để; truyền thông hiệu quả cao; chính sách phải có tầm nhìn xa, đồng bộ (dám bỏ kinh phí ngắn hạn để không ảnh hưởng cho dài hạn)…

Để làm tốt những việc trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, nếu người dân không biết mua khẩu trang ở đâu thì chủ tịch phường phải trả lời, còn không thì chủ tịch quận phải trả lời. Mỗi quận khảo sát nhanh trong 2 ngày tới, nếu thiếu khẩu trang thì bán tại nhà, không để việc người dân lùng sục khẩu trang để mua. Những dịch vụ mà còn mở cửa thì hoạt động như thế nào... Thực hiện nghiêm các công văn khẩn về phòng chống dịch của TP. Đặc biệt, phải có thái độ đặc biệt với ĐHQG - tức có bản thỏa thuận chính thức để phân công lực lượng, đội ngũ gác cả khuôn viên, bảo đảm yêu cầu y tế và an sinh xã hội...

"Các nước châu Âu gọi là "chiến tranh virus", nghĩa là cả nước chúng ta đang bước vào một cuộc chiến tranh virus. Do vậy, mọi người dân phải ứng xử như trong chiến tranh, dù không có tiếng súng. Phải chịu khổ trước rồi mới sướng sau. Trong khi dịch bệnh đang xảy ra mà đòi tự do, vui sướng trước thì về sau sẽ rất khổ. Nếu tất cả không chung tay, không cố gắng mà để lỡ thời cơ thì không thể làm lại được nữa" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Bộ Y tế, tính đến tối 24-3, Việt Nam đã ghi nhận 134 ca bệnh mắc Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. 117 bệnh nhân còn lại đang được điều trị cách ly, trong đó đã có 14 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần

Tuân thủ nghiêm việc chống nhiễm khuẩn

Cũng trong chiều 24-3, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đang được theo dõi tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương.

Theo PGS-TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, hiện tại đây đang điều trị 46 bệnh nhân Covid-19. BV cũng đang theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gần 350 đối tượng nghi nhiễm, đồng thời mỗi ngày sàng lọc hàng trăm bệnh nhân, khám cho nhiều bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... "Nếu ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc Covid-19 chủ yếu là người trẻ tuổi thì thời điểm này, bệnh nhân mắc Covid-19 đông hơn, nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nền như: tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường..." - PGS Thạch nói và cho biết thêm thời gian qua, nhiều y - bác sĩ, nhân viên đã "cắm chốt" ở BV 24/24 giờ để khám chữa bệnh và tự cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, điều không mong muốn đã xảy ra, một bác sĩ của Khoa Cấp cứu thường xuyên làm việc trong môi trường phòng áp lực âm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng, nhiều ngày nên đã mắc Covid-19. Về 3 bệnh nhân "rất nặng" đang điều trị tại BV, hiện BV đang dồn sức để chữa trị.

Do bệnh nhân nặng đều tập trung tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương nên PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), yêu cầu BV rà soát lại nguồn trang thiết bị, nếu cần chi viện, Bộ Y tế sẽ dành mọi nguồn lực tốt nhất cho công tác chống dịch của BV.

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) về điều trị bệnh nhân Covid-19 Ảnh: HẢI ANH

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định Bộ Y tế đã thành lập tổ chuyên gia đầu ngành và thường xuyên tiến hành hội chẩn trực tuyến, đến làm việc trực tiếp để cùng trao đổi, chia sẻ chuyên môn, thống nhất giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Riêng việc bác sĩ Khoa Cấp cứu nhiễm chéo bệnh Covid-19 là một tai nạn nghề nghiệp, cần thông cảm, chia sẻ với các y - bác sĩ. Nhưng để khắc phục và tránh tình trạng này tiếp tục xảy ra cần thực hiện đúng, tuân thủ bảo đảm về chống nhiễm khuẩn, công tác chăm sóc người bệnh.

Ngọc Dung

Tác giả: Nguyễn Thạnh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP