Giáo dục

Tôi thuộc thế hệ “ngồi ngay ngắn đọc sách làm bài tập về nhà”

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch từng gây bão với tờ đơn Xin cho con học dốt. Đó là bức thư nói tới việc người mẹ muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành mà phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ.

Đây là “lá đơn” mà anh Thạch thay lời chị gái viết, sau khi chứng kiến cảnh người mẹ đau khổ chuyện học hành của con, còn người con thì từng thổ lộ ý định tự tử trong những dòng nhật ký.

Còn câu chuyện học hành trong tuổi thơ của anh Thạch ra sao?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch

Tôi thuộc thế hệ “ngồi ngay ngắn đọc sách làm bài tập về nhà”

Trước đây, điểm số quan trọng với anh tới mức độ nào, quan trọng với bố mẹ anh ra sao? Anh đã làm gì để đạt được mức điểm mong muốn?

- Với nền giáo dục hiện tại của chúng ta, thì điểm số là thứ quan trọng nhất khi tất cả mọi người, từ giáo viên, đến phụ huynh đều nhìn vào đó để đánh giá sức học của một đứa trẻ và từ đó dự đoán luôn cả tương lai và khả năng thành công trong cuộc sống về sau của nọ.

Chúng ta không lạ lẫm với những câu răn đe như, “Điểm thấp như vầy thì sau này đi bán vé số nha con…” dù rằng bán vé số cũng là một nghề chân chính, lương thiện.

Câu chuyện của cháu tôi thì là “…tôi vẫn thường so sánh nó với con chú Sáu hàng xóm, con chị Ba tổ trưởng... để khi con tôi được 8 điểm, tôi trách nó là sao không được 10 điểm như con chú Sáu...

Con tôi học giỏi từ lớp một đến lớp chín, chỉ khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm. Con tôi không thể giỏi đều mười mấy môn học nhà trường yêu cầu... và điểm số của cháu ở những môn không phải thế mạnh chỉ là bốn năm điểm.

Tôi như người điên... nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm...”.

Còn tôi, dù muốn hay không, tôi cũng đã từng trong vòng luẫn quẩn của việc lấy điểm số làm thước đo của vạn sự.

Thời gian đầu, tôi cố gắng để học đều tất cả các môn với mong muốn điểm cao. Đến khi nhận ra rằng trí nhớ của mình là hữu hạn và kiến thức là vô tận, tôi dừng lại, chỉ tập trung vào khoảng ba môn mình yêu thích nhất để phát triển, các môn còn lại, chấp nhận ở mức trung bình, qua lớp là được, và tôi hài lòng với lựa chọn đó của bản thân.

Vậy anh đã “đối phó” với bài tập về nhà như thế nào? Bài tập về nhà đối với anh có bao giờ là… ác mộng?

- Gia đình tôi cũng như phần lớn những gia đình truyền thống của Việt Nam thế hệ cũ, định nghĩa về chữ “học” có nghĩa là phải đúng giờ đúng ngày ngồi vào bàn, nhìn vào cuốn tập, cuốn sách thì đó mới là “học” để thành con ngoan trò giỏi.

Tôi cũng từng nằm trong thế hệ như vậy, và lúc nào cũng trong tư thế “ngồi ngay ngắn đọc sách làm bài tập về nhà”…, dù rằng có khi đó chỉ là ngồi chép lại bài từ sách giải đề ra tập vở.

Đó là cách mà không chỉ tôi, mà còn rất nhiều những bạn trẻ khác, hiện nay thay vì phát triển bản thân thành những cá thể độc lập, đam mê, sáng tạo thì họ lại được tập làm quen với việc trở thành một chiếc máy photocopy, không hơn, không kém.

Nhìn đám trẻ con ngày nay đánh vật với bài tập, anh có cảm nghĩ gì?

- Tôi có một người em gái, năm nay đang học lớp mười hai, đang đối mặt với mấy kỳ thi quan trọng phía trước và tôi được may mắn chứng kiến những trăn trở, suy nghĩ của nó dành cho việc học, cũng như tương lai và việc phải tranh thủ ngồi làm đống bài tập về nhà của những môn học nó hoàn toàn không có đam mê, sở thích.

Tôi thấy rằng việc đó mất thời gian vô cùng, vì quỹ thời gian của một đứa học sinh, nếu cứ bít bùng trong việc làm bài tập, giải bài tập, thì còn đâu thời gian để chúng tìm hiểu vì chính sở nguyện bản thân trước khi đặt câu hỏi “Thế giới này ra sao?”.



Ảnh minh họa Đinh Quang Tuấn

Tốt nhất nên giải quyết bài tập Làm Người Văn Minh

Trong bức thư “xin cho con học dốt”, anh có đề cập tới một lịch học - “Học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy... cốt yếu chỉ để con tôi giỏi lại ở những môn còn lại, đạt trên 6,5 và trở thành học sinh giỏi”.

Nếu anh vẫn đang là một đứa trẻ, liệu anh có thể tìm cách “giải thoát” mình trước áp lực đến từ cha mẹ, thầy cô, và cả bạn bè không?


- Lịch học đó thật ra là của chính tôi trong những ngày còn đi học. Và khi còn là một đứa trẻ, tôi đã thất bại trong việc đấu tranh cho quyền được chọn lọc cho việc dung nạp những thứ mình đam mê.

Bây giờ, tôi đang sửa chữa những sai lầm đó bằng cách làm người đứng giữa, vừa định hướng cho em gái mình nên làm gì, nên chọn gì và việc dung hoà xoá bỏ những tư tưởng xưa cũ như “học để kiếm tiền”, “con gái không cần học nhiều”, “học là phải học giỏi”… của ba mẹ.

Tôi nghĩ, muốn giảm tải cho bọn trẻ, thì người cần giảm tải đầu tiên là phụ huynh của chúng. Nếu vị phụ huynh nào cũng có thể bỏ khỏi đầu thứ tư tưởng khoa bảng, định nghĩa sai về việc học, thì các em học sinh và cả giáo viên mới có thể dễ thở hơn.

Vậy đám trẻ ngày nay, sau một ngày ở trường, nên hay không nên, cần hay không cần làm bài tập về nhà?

- Tôi nghĩ, bọn trẻ vẫn cần và nên làm bài tập về nhà, nhưng nội dung của bài tập đó là gì mới là quan trọng. Hơn mười môn học, mỗi môn chỉ cần giải thêm 1 hay 2 bài về nhà thì gần như cả ngày bọn trẻ chỉ còn kịp ăn với ngủ, việc còn lại là học.

Bài tập về nhà của bọn trẻ, nên là bài tập về tìm hiểu con người, tìm hiểu nơi chúng sống, thực hành những ý thức văn minh sơ khởi, như có những ngày dọn dẹp rác trong nhà, hay trong chính khu phố chúng sống… Những thứ đó, tôi nghĩ là bài tập vô cùng khó, vô cùng quan trọng, tên là “Bài Học Làm Người Văn Minh”.

Anh từng nói rằng “Học, là để bản thân chúng ta hiểu hơn về con người, về cuộc đời, và từ đó chúng ta sống bao dung hơn, hạnh phúc hơn". Điều này anh rút ra từ khi nào? Và để có được, sự học phải diễn ra ra sao?

- Tôi nhận ra việc này khi chứng kiến xung quanh mình quá nhiều sống không hạnh phúc chỉ vì lòng họ chưa đủ bao dung, dù rằng, họ học hành rất tốt, làm được những chức cao trong xã hội. Và chính tôi trong một giai đoạn của cuộc đời cũng không tìm thấy hạnh phúc như vậy.

Muốn làm được việc này, tôi nghĩ trước hết phải hiểu và thay đổi quan điểm về việc “học” hiện tại ở rất nhiều con người, học nên được hiểu là quá trình tu dưỡng bản thân, quá trình phát triển tư duy và nhận thức, chứ không nên nhìn việc “học” qua kết quả như đại đa số người đang làm.

Để thay đổi, tôi nghĩ cần khá nhiều thời gian và không đơn giản, nhưng mọi thứ đều cần có một khởi đầu.

Xin cảm ơn anh.

Tác giả bài viết: Ngân Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP