Trong nước

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 7/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Tổ Công tác số 2 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Trần Hồng Hà – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Phú Hiền chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 16 đơn vị (07 bộ, cơ quan trung ương, 09 địa phương) thuộc Tổ công tác số 2 là 253.255,055 tỷ đồng, chiếm 30,66% tổng kế hoạch vốn đầu tư của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao (825.992,269 tỷ đồng).

Tính đến ngày 06/5/2025, tổng số vốn phân bổ là 250.126,601 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.538,131 tỷ đồng số vốn cân đối ngân sách địa phương giao vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), đạt 98,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tăng 4.443,144 tỷ đồng so với tháng trước).

Số giải ngân thực tế tính đến ngày 06/5/2025 của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 2 đạt 15,41% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức ước giải ngân trung bình của cả nước đến ngày 30/4/2025 (15,56%). Trong đó, có 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ ước giải ngân bình quân chung của cả nước đến ngày 30/4/2025, gồm: Phú Thọ 46,71%; Thanh Hóa 39,02%; Hà Tĩnh 29,43%; Nghệ An 22,56%; Quảng Bình 19,23%; Bắc Giang 18%; Hòa Bình 17,34%. Có 07 Bộ, cơ quan Trung ương và 02 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép điều chuyển kế hoạch vốn), gồm: Văn phòng Chủ tịch nước 0%; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 0%; Đại học Quốc gia Hà Nội 5,8%; Văn phòng Trung ương Đảng 7%; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 12,21%; Bộ Nông nghiệp và Môi trường 12,4%; Bộ Xây dựng 14,5%; Thành phố Hà Nội 10,9%; Quảng Trị 10,8%. Tuy nhiên, trong 07 cơ quan nêu trên, 02 đơn vị có số giải ngân tuyệt đối lớn là Bộ Xây dựng (11.829,03 tỷ đồng) và Thành phố Hà Nội (9.586,3 tỷ đồng), chiếm lần lượt là 9,2% và 7,5% tổng giải ngân cả nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An



Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, địa phương đã nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến thể chế cũng như trong tổ chức thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tiếp tục rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện. Thành lập các Tổ công tác ở cấp Trung ương và địa phương để kịp thời xử lý các tồn tại vướng mắc; điều chuyển vốn linh hoạt giữa các dự án chậm tiến độ và dự án có khả năng giải ngân nhanh. Xây dựng chế tài xử lý các chủ đầu tư và đơn vị có liên quan trong trường hợp thực hiện giải ngân không đạt theo cam kết. Ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát tiến độ, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 ghi nhận và biểu dương 07 tỉnh, thành gồm: Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang, Hòa Bình có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước. Đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức giải ngân trung bình của cả nước, đề nghị các đơn vị rà soát và có giải pháp khắc phục.

Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án.

Người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền.

Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước tiếp tục tích cực, chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông chính sách, tạo được sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án.

Các Bộ, cơ quan chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia rà soát các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình phân bổ, giải ngân vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để phối hợp Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xử lý theo quy định; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền…

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP