Xã hội

Thực hư chuyện sờ tượng "thần hổ" chữa được bách bệnh

Với hy vọng chữa bệnh và cầu mong sức khỏe, nhiều người khi hành hương đến chùa Hương Tích luôn đổ dầu xoa lên tượng hổ tại đây rồi sau đó xoa lên cơ thể mình.

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự, có nghĩa là Chùa Thơm. Ngôi chùa này nằm ở độ cao 650 m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Chùa được xây dựng vào đời Trần, thế kỷ thứ XIII, được mệnh danh là: "Hoan Châu đệ nhất danh lam" và được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa.

Cứ mỗi dịp xuân sang, người dân khắp nơi lại hành hương về chùa Hương Tích để cầu cho một năm bình an.

Ngôi chùa này gắn với sự tích về "thần hổ" và sự tích công chúa Diệu Thiện chạy trốn. Tương truyền khi xưa hổ thần linh thiêng đã che chở cho công chúa Diệu Thiện tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. Khi Diệu Thiện đến vùng núi Ngàn Hống, "thần hổ" cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền. Sau đó, "thần hổ" lại đưa công chúa lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, "thần hổ" đưa công chúa xuống động, ở trong một hang đá và đó chính là Hương Tích.

Tại ngôi chùa này có đặt một tượng hổ, được làm bằng bê tông, sơn màu vàng ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi. Trước tượng hổ có một chiếc bàn đá để người dân dâng lễ, thắp hương.

Người dân truyền tai nhau về việc sờ tượng hổ sẽ chữa được bệnh.

Cho rằng tượng hổ có thể chữa trị được bệnh tật, nên khi đến chùa Hương Tích nhiều người dân dùng dầu gió đổ lên tượng hổ. Sau khi thắp hương khấn vái, người dân lại dùng tay sờ, xoa tượng hổ rồi xoa lên bộ phận tương tự trên cơ thể mình. Họ tin rằng việc làm này có thể chữa được bách bệnh.

Vượt hơn 60 km đến chùa Hương Tích, ngoài việc vãn cảnh, thắp hương cầu cho một năm mới bình an đến với người thân, bà Nguyễn Thị Hậu (55 tuổi, trú tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) còn mong được "thần hổ" chữa bệnh.

"Tôi nghe người ta bảo với nhau đổ dầu rồi xoa lên tượng con hổ thì có thể chữa được bệnh. Tôi hay bị đau mỏi chân tay nên hôm nay lên chùa thử xem sao", bà Hậu cho biết.

Trẻ em xoa tượng "thần hổ" với mong muốn học giỏi.

Không chỉ quan niệm, truyền tai nhau việc con tượng hổ để chữa bệnh, nhiều người còn tin rằng "thần hổ" có thể cho trẻ học giỏi thành tài.

Ghi nhận của PV Dân trí những ngày đầu năm Nhâm Dần tại ngôi chùa này, không chỉ có người lớn mà nhiều em nhỏ, học sinh cũng đổ dầu lên "thần hổ" rồi xoa lên người để cầu mong học giỏi.

Do liên tục bị đổ dầu và xoa nên màu sơn trên lưng hổ đã bị mòn và chuyển sang màu đen.

Theo ông Võ Thành Chung, Trưởng Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích, năm 2022 lượng người dân hành hương về chùa rất đông. Chùa mở cửa đón khách từ ngày mùng 1 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người hành hương về chùa. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách đến chùa khoảng hơn 35.000 lượt người.

Theo Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích, việc sờ vào tượng hổ để chữa bệnh chỉ là thông tin người dân truyền tai nhau, chứ không có cơ sở khoa học.

Nói về hiện tượng người hành hương xoa lên tượng hổ để chữa bệnh, theo đại diện Ban quản lý chùa Hương Tích, thông tin đã tồn tại nhiều năm qua. Trước kia cũng có biển cấm, nhưng sau đó do số lượng du khách quá đông nên biển cấm cũng không có tác dụng.

"Việc một số người cho rằng sờ tượng hổ, xoa dầu lên người có thể chữa bệnh hay học giỏi chỉ là do người dân truyền tai nhau chứ hoàn toàn không có cơ sở khoa học hay dẫn chứng thực tế nào", ông Võ Thành Chung cho biết.

Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP