Luật gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn có quy định cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý Nhà nước về cạnh tranh.
Theo đó, Luật nghiêm cấm cơ quan Nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường như: phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh…
Luật nghiêm cấm cơ quan Nhà nước ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường...
Các đại biểu Quốc hội thông qua luật. Ảnh: Quân Minh. |
Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh cũng bị nghiêm cấm.
Theo Luật mới được thông qua, Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước bằng biện pháp như quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước; quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.
Nhà nước cũng định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị sửa lại quy định đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Công Thương.
Theo đó, có đại biểu đề nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Và đề xuất xem xét kéo dài nhiệm kỳ chức danh này lên 7 năm.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Do đó, việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Ngoài ra, nhiệm kỳ 5 năm là phù hợp với quy chế bổ nhiệm cán bộ.
Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Việc thông qua luật sẽ giúp xử lý một số vụ việc tập trung kinh tế nổi cộm trong tương lai. Ảnh minh họa. |
Trước đó, khi thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những thay đổi trong cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đánh giá cao quy định tại Điều 34 quy định các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập…) phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành.
Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí như: tổng tài sản, tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế, thị phần của một trong các doanh nghiệp tham gia…
Đại biểu đánh giá đây là một trong những thay đổi quan trọng trong cách thức kiểm soát tập trung kinh tế, bởi Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ dựa vào một tiêu chí duy nhất là thị phần để kiểm soát.
Đây là những tiêu chí mang tính định lượng rõ ràng để các DN dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế.
Bên cạnh quy định về kiểm soát tập trung kinh tế, Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới khác như: mở rộng phạm vi điều chỉnh; mở rộng đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh…
Tác giả: Hiếu Công
Nguồn tin: zing.vn