Trong tỉnh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Cùng tham gia đối thoại, trực tiếp trao đổi ý kiến, kiến nghị của nông dân có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an...

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các hợp tác xã tiêu biểu; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan...

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Giúp nông dân làm ra gạo, ra tiền, nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn

Đặt vấn đề tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại biểu chia sẻ những tự hào, ấn tượng, cũng như những băn khoăn, trăn trở, lo âu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn kể từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Đại biểu là nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị

Theo Thủ tướng, các ý kiến đối thoại này sẽ giúp nông dân làm ra gạo, ra tiền, nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn. Bởi vậy, yêu cầu đối thoại phải thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Lãnh đạo các Sở, ngành tham dự hội nghị

Là người đầu tiên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại, anh Y Pốt Niê, đến từ buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Anna, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ, vừa qua được tham dự Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh đến "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Hiện Chính phủ đã có chủ trương hiện thực hóa chủ trương này, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Anh Y Pốt Niê mong muốn được biết thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi này?

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành chụp hình với các đại biểu nông dân tiêu biểu của tỉnh tham dự hội nghị

Ngoài ra, anh Y Pốt Niê đề nghị Thủ tướng, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới khi mà cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì cần phải có liên kết các mảnh đất nhỏ, mảnh vườn nhỏ để có 1 đại điền lớn mà tỉnh Thái Bình đang làm. Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu… Và chính doanh nghiệp là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp. Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của Châu Âu như đại biểu vừa đề cập tới. Quy định này bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025 với ba ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam, trong đó có cà phê.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ NN&PTNT đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân để đáp ứng đúng quy định này. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta đang trong quá trình đàm phán và vẫn còn thời gian để hoàn thiện nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác. Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, chúng ta chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất mới là mục tiêu cuối cùng. Muốn làm được điều đó chúng ta phải dựa vào sản xuất công nghệ cao, nhưng công nghệ cao chỉ là công cụ phương tiện. Ngành nông nghiệp đang định hướng rất đúng và trúng, nhưng phải mạnh mẽ hơn. Trong nông nghiệp hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt: Giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng và thu mua, chế biến, bảo quản, bán ra thị trường.

Trao đổi thêm về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chúng ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân. Chúng ta cũng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ mong nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình.

Đ/c Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng có chính sách, giải pháp để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động mất việc làm trở về nông thôn

Tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã trao đổi về những chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn; chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp nhanh hơn...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cũng đã trao đổi về giải pháp hỗ trợ nông dân, HTX đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương quảng bá lên sàn thương mại điện tử trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài; chính sách khuyến khích chính quyền địa phương các cấp quan tâm, bổ sung, phát triển nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp lớn hơn nữa...

Thực hiện khát vọng làm giàu để đất nước thực sự phát triển, nông dân có đời sống ấm no, hạnh phúc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự có mặt của các đại biểu tham dự hội nghị chiều nay. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng thành công Đại hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII và chúc mừng Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Cuộc đối thoại hôm nay với mong muốn góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, kế hoạch hành động của Chính phủ, các luật pháp của Quốc hội liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Đồng thời, cụ thể hóa chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm sao người nông dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng chiến lược khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển đất nước. Cùng với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lao động sáng tạo của bà con nông dân, sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, ngành kinh tế nông nghiệp luôn giữ vững sự phát triển và vai trò trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà và góp phần tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững...

Mặc dù vậy, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua có phần hạn chế, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp còn chậm; đầu tư quy hoạch nông thôn còn bất cập; vấn đề an ninh nông thôn còn nhiều thách thức...

Nhắc lại khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của nông dân: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần có hợp tác xã”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh muốn phát triển phải liên kết, cùng làm cùng hưởng, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nông dân; mối liên kết này phải phù hợp với kinh tế thị trường.

Để phát huy quyền làm chủ của nông dân, giải quyết khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân; đồng thời triển khai thắng lợi các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, Hội Nông dân các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Trong đó, đề nghị tiếp tục nâng cao ý chí tự lực, tự cường trong việc nâng cao, đổi mới hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí, quyết tâm không cam chịu nghèo nàn thực hiện khát vọng làm giàu, đóng góp phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh để đất nước thực sự phát triển, nông dân có đời sống ấm no hạnh phúc. Cán bộ, hội viên Hội Nông dân cả nước ra sức phấn đấu hăng hái thi đua trong lao động sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị tốt đẹp của người nông dân tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế... Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh, phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP