|
“Nổ” quen lãnh đạo Sở Y tế lừa đảo tiền tỉ
Ngày 2/12, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo Ngô Thị Oanh (SN 1969, ngụ xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An), Nguyễn Thị Thúy (SN 1975, ngụ xã Hưng Lộc, TP.Vinh), Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, ngụ phường Lê Lợi, TP.Vinh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, dù không có chức năng, nhiệm vụ tìm việc làm nhưng Oanh và Hằng đã bàn bạc, thống nhất với nhau việc nhận hồ sơ, tiền xin việc vào Trung tâm huyết học truyền máu và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, Oanh sẽ chịu trách nhiệm tìm người lao động, nhận hồ sơ, tiền của người xin việc, còn Hằng có nhiệm vụ liên hệ, xin việc làm.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, để tạo sự tin tưởng cho các bị hại, khi tiếp cận Ngô Thị Oanh đã nói rằng bản thân Oanh có quen biết lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An và hứa chắc chắn sẽ xin được việc làm cho những ai có nhu cầu vào làm việc tại các bệnh viện, trung tâm truyền máu, huyết học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Ngô Thị Oanh còn bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thúy, là cán bộ khuyến nông thuộc Trạm khuyến nông TP Vinh tìm người lao động để Oanh “xin việc làm” cho họ và được Thúy thống nhất thực hiện.
Cơ quan điều tra xác định, Ngô Thị Oanh đã thực hiện 10 vụ lừa đảo với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Hằng thực hiện 6 vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt 420 triệu đồng, Nguyễn Thị Thúy thực hiện 1 vụ lừa đảo, với số tiền chiếm đoạt 210 triệu đồng. Sau khi nhận tiền “chạy việc”, các đối tượng đều không “xin việc làm” được cho bất cứ một trường hợp nào.
Bị cáo Ngô Thị Oanh lĩnh án 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Trong số nhiều nạn nhân, chị Đoàn Thị Lê N. (ngụ TP Vinh) là người bị lừa nhiều tiền nhất. Trước đó, vào năm 2014, thông qua mối quan hệ quen biết chị N. đã tìm gặp Ngô Thị Oanh để nhờ liên hệ xin việc cho người quen của mình. Khi gặp, Oanh nói với N. là bản thân có quen Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An nên có thể xin cho người khác vào làm việc ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Oanh còn cho biết, thời điểm này Trung tâm huyết học và truyền máu Nghệ An đang tuyển nhân sự nên ai cần xin thì đưa hồ sơ và tiền cho Oanh.
Sau khi trao đổi, từ năm 2014 đến năm 2017, chị Đoàn Thị Lê N. đã giao tiền và hồ sơ cho Ngô Thị Oanh để nhờ xin việc làm cho 10 lao động. Trong đó, có anh Đoàn Mạnh Công (em trai chị N.). N. nhờ Oanh xin cho Công vào lái xe ở Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An. Oanh nói chi phí xin vào lái xe là 100 triệu đồng.
Sau đó, chị N. đã đưa hồ sơ và tiền cho Oanh. Tiếp đó, chị N. nhờ Oanh xin việc làm cho chị Dương Thị Tình (ngụ xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) vào làm điều dưỡng ở Trung tâm huyết học và truyền máu Nghệ An. Oanh nói chi phí là 150 triệu đồng và đã được chị này đưa tiền. Sau khi nhận từ Đoàn Thị Lê N. tiền và 10 bộ hồ sơ xin việc của 10 lao động nêu trên, Ngô Thị Oanh không xin được việc làm cho bất cứ trường hợp nào như đã hứa hẹn. Sau đó, Oanh đã nhiều lần trả lại tiền cho N. Hiện, Ngô Thị Oanh còn nợ của chị N. hơn 300 triệu đồng.
Trong công văn ngày 28/8/2019 của Trung tâm huyết học, truyền máu Nghệ An trả lời không tìm thấy thông tin nào tại Trung tâm. Trung tâm có thông tin 2 cá nhân nộp hồ sơ dự tuyển viên chức và tham gia phỏng vấn, kỳ xét tuyển năm 2017 nhưng không trúng tuyển và có 1 trường hợp đã xin phép nghỉ sau một thời gian học việc.
Đồng thời, công văn trả lời của Bệnh viện sản nhi Nghệ An thể hiện năm 2016, Bệnh viện có tuyển nhân viên Kế toán vào làm việc tại Bệnh viện theo hình thức xét tuyển. Bệnh viện có tiếp nhận hồ sơ tham gia xét tuyển vị trí nhân viên kế toán của một người là bị hại trong vụ án liên quan đến bị cáo Oanh. Quá trình xét tuyển viên chức, người này có tham gia phỏng vấn xét tuyển nhưng không trúng tuyển vào làm việc tại Bệnh viện sản nhi Nghệ An.
Quanh co chối tội
Trước khi diễn ra phiên tòa này, ngày 25/11, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa 3 bị cáo ra xét xử. Tuy nhiên, trong phần tranh tụng, Ngô Thị Oanh xin tòa cho bị cáo thêm thời gian để khắc phục hậu quả cho các bị hại. Do vậy, tòa quyết định tạm dừng phiên tòa. Tuy nhiên, sau 7 ngày tòa tạm dừng, bị cáo Oanh vẫn không khắc phục thiệt hại cho các bị hại như đã cam kết.
Tại phiên tòa này, các bị hại cho biết chưa nhận được khoản tiền khắc phục nào từ bị cáo Oanh. Nhiều bị hại tỏ ra bức xúc vì sự lừa dối của bị cáo Oanh. “Vì muốn tạo điều kiện cho bị cáo nên chúng tôi chấp nhận cho bị cáo có thời gian khắc phục thiệt hại, nhưng bị cáo Oanh không hề có động thái nào. Do vậy, tại phiên tòa này chúng tôi đề nghị tòa xét xử đúng người, đúng tội”, một bị hại nêu quan điểm.
Tại phiên tòa, trong khi hai bị cáo Hằng, Thúy thành khẩn khai báo, đã khắc phục hết toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt thì Ngô Thị Oanh quanh co chối tội. Bị cáo Oanh cho rằng đã xin việc thành công cho 2 trường hợp tại bệnh viện. Số trường hợp còn lại đã đồng ý chuyển từ chạy việc sang vay nợ và hiện chưa đến thời gian trả nợ.
Tuy nhiên, các bị hại cho biết chưa ai có việc làm như lời của bị cáo Oanh. Có 2 bị hại từng có thời gian học việc tại Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An nhưng là theo hình thức tự nạp tiền vào để học trong thời gian ngắn, hiện đã nghỉ làm.
Sau quá trình tranh tụng, tòa phân tích theo luật nhà nước thì không có môi giới xin việc. Việc các bị cáo nhận tiền của các bị hại nhưng không trả lại cho họ là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, bị cáo Oanh và Hằng có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Hai bị cáo Hằng, Thúy có thêm tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, khắc phục hoàn toàn thiệt hại cho các bị hại.
uy nhiên, trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi khi chấp nhận đưa cho các bị cáo một khoản tiền lớn để chạy việc. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Ngô Thị Oanh 10 năm tù, Nguyễn Thị Hằng 3 năm tù, Nguyễn Thị Thúy 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tác giả: Hoàng Long
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam