Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT |
Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về tuyển sinh đối với ngành đào tạo khoa học sức khỏe (có chứng chỉ hành nghề) để thí sinh, phụ huynh và giáo viên yên tâm hơn trong đợt xét tuyển ĐH năm 2019 sắp tới?
Thực hiện quy định “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh… quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề” tại Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (điểm b khoản 19 Điều 1), Dự thảo quy chế tuyển sinh sửa đổi năm 2019 dự kiến quy định: “Đối với ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, TC, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển”.
Theo đó, việc xét tuyển từ điểm thi THPTQG đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề dự kiến tương tự như các ngành đào tạo giáo viên. Sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn (bao gồm đại diện các cơ sở đào tạo liên quan đại diện cho các ngành đào tạo, các vùng miền và đại diện cơ quan quản lý ngành) để quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
Đối với việc xét tuyển sử dụng kết quả học tập phổ thông (xét điểm học bạ), Dự thảo đang dự kiến quy định: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ ĐH theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải là tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Lưu ý, đây là quy định dự kiến áp dụng đối với phương thức xét tuyển từ kết quả học phổ thông, không áp dụng đối với người đăng ký xét tuyển từ kết quả thi THPTQG.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo. Hiện nay, Dự thảo đang được xin ý kiến góp ý của một số trường để hoàn thiện trước khi đăng mạng xin ý kiến toàn xã hội.
Điều đó có nghĩa là tuyển sinh khối ngành sức khỏe này cũng giống như tuyển sinh đối với nhóm ngành sư phạm đã được Bộ GD&ĐT áp dụng từ năm 2018?
Dự kiến sẽ như vậy, đây là hai nhóm ngành quan trọng nên việc quản lý chất lượng cần chặt chẽ, cần có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho mỗi nhóm ngành. Chủ trương này đã được Luật hóa nên các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân phải thực hiện.
Bà có thể cho biết, căn cứ thực tiễn nào để đưa vào Luật giáo dục ĐH vừa sửa đổi quy định Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn khi xét tuyển sinh đối với khối ngành sức khỏe (có chứng chỉ)? Ý kiến của các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe về vấn đề này?
Về cơ sở của quy định trong Luật và nội dung Dự thảo nêu trên:
Trước hết, đây là hai nhóm ngành quan trọng đào tạo ra những người thầy, thầy giáo và thầy thuốc, người có ảnh hưởng quyết định đến trí tuệ, nhân cách của các thế hệ tương lai và sức khỏe của toàn dân nên việc quản lý chất lượng đào tạo cần chặt chẽ, trên một ngưỡng chung cho mỗi ngành.
Quy định này cũng nhằm đồng bộ với Luật khám chữa bệnh và Luật Dược về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, là cơ chế quản lý chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo, để đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đáp ứng yêu cầu đó thì chất lượng đầu vào và chất lượng quá trình đào tạo đều cần chú trọng, tránh tình trạng sau khi đào tạo, người tốt nghiệp không đủ năng lực để được cấp chứng chỉ hành nghề thì việc đào tạo sẽ bị lãng phí.
Thực tiễn trong thời gian qua, khi mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo, cũng như trong lĩnh vực đào tạo giáo viên, một số cơ sở đào tạo ngành sức khỏe đã xét tuyển thí sinh có mức điểm chưa cao nên cơ quan quản lý và xã hội chưa thật sự yên tâm về chất lượng tay nghề của đội ngũ bác sĩ này sau khi tốt nghiệp.
Dự thảo sửa đổi Quy chế tuyển sinh năm 2019 nêu trên đã được lấy ý kiến các trường trong Hội nghị lãnh đạo các trường cuối năm 2018, hiện đang được gửi trực tiếp một số trường để góp ý hoàn thiện trước khi đăng mạng xin ý kiến toàn xã hội theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng đã nhận được ý kiến của một số trường, của một số báo… cho rằng việc xét tuyển sử dụng kết quả học tập phổ thông (xét học bạ) quy định đối với trình độ ĐH các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi là cao và không thực sự cần thiết, nhất là khi chương trình phổ thông mới có thiết kế các môn học tự chọn để nhằm định hướng nghề nghiệp. Cá biệt, có báo đăng ý kiến hiểu nhầm phải có lực học loại giỏi mới được ĐKXT các ngành sức khỏe làm cho thí sinh và phụ huynh hoang mang, góp ý theo hướng không nên hoặc chưa nên áp dụng quy định này để thí sinh không phải ”chịu thiệt”...
Dự thảo vẫn đang được tiếp thu ý kiến, hoàn thiện để xin góp ý của các cơ quan liên quan và toàn xã hội. Quy chế chỉ được ban hành sau khi đã lắng nghe, phân tích ý kiến của tất cả các bên liên quan và đánh giá tác động để đảm bảo tính sát thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng tuyển sinh và đào tạo.
Xin cảm ơn bà!
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong