Trong tỉnh

Theo chân lão ngư đánh cá mòi sông Lam

Khi những làn gió nồng ẩm đầu tiên xuất hiện đầu tháng Ba, những chú cá mòi béo múp lại rủ nhau ngược dòng Lam lên thượng nguồn đẻ trứng, mùa đánh bắt cá mòi bắt đầu. Chúng tôi đã có 1 buổi theo dân chài Nam Tân (Nam Đàn) đi 'săn lộc sông nước' trên dòng Lam mùa này xanh biếc.

Tầm giữa tháng Giêng hàng năm, cá mòi sông Lam lại bắt đầu dặm dài thiên lý của mình: từ cửa biển về sông suối vượt cạn. Những ngư dân quanh vùng sông Lam, nơi cá mòi ngược lên vượt cạn thường đón đầu mùa cá mòi từ sớm để mong hưởng chút lộc từ chính vùng sông nước quê hương. Đây là xóm chài nhỏ Nam Tân, Nam Đàn với những con thuyền nép mình bên sông. Ảnh: Trung Hà

Xóm chài xã Nam Tân (Nam Đàn) có hơn chục hộ, đã được chính quyền cấp đất, ổn định cuộc sống từ năm 2010 nhưng vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới trên dòng sông Lam. Và mùa này, những con thuyền như cũng rộn rã hơn đón mùa cá mòi về. Ảnh: Lê Thắng

Từ sáng sớm, những con thuyền đã bắt đầu rời bến để bắt đầu một ngày đánh bắt miệt mài. Ảnh: Trung Hà

Nhịp chèo khỏe khoắn của một lão ngư Nam Tân trên sông Lam. Sáng nay lão ngư tên Vị này bắt đầu hành trình của mình từ khi 6 giờ sáng. Ảnh: Lê Thắng

Đến đoạn sông trên bến đỗ khoảng nửa cây số, lão ngư buông lưới. Ảnh: Trung Hà

Người dân đánh bắt cá mòi bằng cách thả lưới vương ngang dòng sông. Mỗi lần thả xong, lão ngư chờ đợi khoảng 20 - 30 phút rồi thu lưới, bắt cá. Mỗi đêm một người có thể đánh bắt được 50-60 con, nếu may mắn có thể lên đến hàng trăm con. Ban ngày thì sản lượng có thể thấp hơn, nhất là khi triều lên làm nước từ thượng nguồn chảy chậm lại. Ảnh: Lê Thắng

Ông Vị, 57 tuổi đã gắn bó với con thuyền cả đời, cũng đã có kinh nghiệm đánh bắt cá trên 50 năm. Tuổi đã cao, con cái đã trưởng thành nên ông chỉ đánh bắt vào ban ngày, còn "bọn thanh niên hấn làm từ 6h tối đến sáng hôm sau mới về". Ảnh: Trung Hà

Cá mòi là loài cá lưỡng cư sinh sống ở biển nhưng mùa sinh sản lại đẻ trứng ở các sông nước ngọt. Cá có đầu nhỏ thuộc họ cá trích, có thân dài, chiều ngang hình bầu dục. Lưng có màu hơi xanh hoặc nâu, bụng có màu bạc. Cá mòi ăn rong rêu, trứng cá, lăng quăng và các loại tôm tép nhỏ. Cá mòi có đồng hồ sinh học chính xác, nở ra ở nước ngọt, sinh trưởng ở biển cả, khi xuân về, mùa sinh sản tới chúng lại ngược dòng về đúng nơi mình sinh ra để sinh sản, luân hồi. Ảnh: Trung Hà

Ông Vị hài lòng với thành quả thu được, lại thảnh thơi nhịp chèo về với bến để đưa cá cho vợ con đi bán. Sau đó ông lại tiếp tục trở ra sông làm công việc đánh bắt của mình. Cá mòi được bán tại bến là 5-6 ngàn đồng/con. Người ta ra chợ bán lại là 8-12 ngàn/con. Như vậy thu nhập bình quân mỗi ngày mỗi thuyền (1 người đánh cá) vào khoảng từ 400-500 ngàn. Ảnh: Lê Thắng

Cùng gặp nhau đánh cá trên một khúc sông, những người chài lưới lại chào nhau bằng những nụ cười và hỏi han xem hôm nay kết quả đánh bắt thế nào. Mùa cá mòi diễn ra ngắn ngủi, chỉ rộ tầm 1,5 tháng nhưng cũng đem lại thu nhập khá cho bà con vạn chài. Ảnh: Trung Hà

Tác giả: Trung Hà - Lê Thắng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: cá mòi ,ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP