Trong tỉnh

Tập trung phê duyệt phương án chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A

Sáng 20/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành và lãnh đạo các địa phương: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh để nghe và cho ý kiến nội dung liên quan đến việc giải ngân kinh phí Trung ương cấp bổ sung bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Nội dung đơn thư của công dân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An từ năm 2016 đến nay đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Nghệ An quan tâm giải quyết. Tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách.

Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra để kết luận và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 làm cơ sở xác định diện tích đất đủ điều kiện bồi thường của các hộ dân theo quy định pháp luật. Nhiều trường hợp đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định, một số trường hợp tiếp tục khởi kiện ra Toà án nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đưa vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc giải quyết (chỉ đạo thông qua các kỳ họp giao ban khối Nội chính định kỳ hàng tháng).

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã cấp bổ sung cho tỉnh Nghệ An 222,388 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường qua thanh tra, giải quyết khiếu nại từ năm 2020 về trước.

Đối với các trường hợp còn lại qua giải quyết đơn thư từ năm 2021 đến nay đã được kết luận đủ điều kiện bồi thường theo quy định pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tổng hợp, đồng thời gửi nhiều văn bản báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí để chi trả cho công dân (số kinh phí tính đến ngày 31/12/2022 là 1.282,52 tỷ đồng). Trong khoảng thời gian dài chưa có kinh phí cấp bổ sung, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các đơn thư, khiếu nại của công dân.

Tuy nhiên, để chủ động hoàn thiện hồ sơ thủ tục, gần đây nhất, ngày 01/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 9312/UBND-BTD chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương nằm trong dự án gấp rút giải quyết các trường hợp vướng mắc còn lại, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bồi thường cho các trường hợp đủ điều kiện xong trước ngày 30/11/2023 để phê duyệt ngay sau khi có kinh phí của Trung ương cấp bổ sung.

Ngày 29/11, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù GPMB (bao gồm cả phần chậm trả theo phương án của UBND tỉnh trình tính đến hết ngày 31/12/2022) để chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ GPMB dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc hôm nay, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào phương án chi trả bồi thường cho các hộ dân, giải ngân nguồn vốn được cấp bổ sung để thực hiện chi trả bồi thường GPMB dự án. Lãnh đạo các địa phương đã báo cáo cụ thể về tình hình lập phương án chi trả và những khó khăn, vướng mắc có liên quan.

Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An nêu khó khăn trong việc xác định diện tích để lập phương án chi trả bồi thường.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Văn Nông, hầu hết các vướng mắc đã được các sở, ngành và UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo xử lý từ 2018 đến nay; các địa phương cần căn cứ kết luận của đoàn kiểm tra xác định phương án bồi thường cho các hộ dân để ra quyết định chi trả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Quý đề nghị UBND tỉnh chốt thời điểm cuối cùng để tính tiền chậm trả cho các hộ dân trên toàn tuyến

Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Tăng Văn Luyện báo cáo tiến độ phê duyệt phương án đền bù cho các hộ dân đủ điều kiện

Phó Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh Thái Minh Tuấn nêu ý kiến về phương án phê duyệt bồi thường, đề nghị trước mắt tính đđến ngày 31/12/2022 theo phương án trình đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023

Riêng tại thị xã Hoàng Mai – địa phương có rất nhiều đơn thư đang trong quá trình giải quyết, lãnh đạo thị xã cho biết, địa phương hiện đang thực hiện cùng lúc các nội dung vừa rà soát, vừa tiến hành trả lời đơn khiếu nại, vừa lập hồ sơ áp giá bồi thường, niêm yết công khai. Tuy nhiên, thị xã đang gặp vướng mắc trong việc xác định diện tích đất để thực hiện bồi thường đối với nhiều hộ dân tại xã Quỳnh Xuân do thiếu hồ sơ tư liệu, có 18 trường hợp tại phường Quỳnh Thiện gặp khó khăn trong việc xác định diện tích đất ở trước năm 1980 và sau năm 1982.

Một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh chốt mốc thời gian tính tiền chi trả chậm để địa phương lập và phê duyệt phương án chi trả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu các địa phương phải tập trung phê duyệt phương án để thực hiện chi trả bồi thường ngay khi có kinh phí

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thống nhất chốt thời gian trả chậm đến 31/12/2022 theo phương án kinh phí trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại các hộ có đơn khiếu nại, những trường hợp khiếu nại sai thì bác đơn, nếu các hộ dân vẫn còn tiếp tục muốn khiếu nại lên cấp trên thì chủ động hướng dẫn thực hiện khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện ra tòa án. Các địa phương: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu hiện đang còn một số vướng mắc, cần chỉ đạo lực lượng chức năng nắm chắc tình hình để nhận diện và ngăn chặn tình trạng làm phức tạp tình hình (nếu có). Đồng thời, tập trung xác định các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ phân theo 2 nhóm: Nhóm các hộ dân có đơn khiếu nại và nhóm các hộ dân không có đơn (tránh trường hợp bỏ sót đối tượng dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại về sau) để từ đó xác định kinh phí bồi thương và chậm trả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh lưu ý: Các huyện phải chịu trách nhiệm về diện tích đất và đơn giá, mốc thời gian tính bồi thường; cùng với đó tuyên truyền để người dân nắm được về thời gian tính tiền chi trả chậm.

Về thực hiện chi trả, những trường hợp đã được phê duyệt phương án và có bản án của Tòa thì thực hiện chi trả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải duyệt phương án chi trả bồi thường và trả chậm trước 31/12/2023. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, các địa phương cần báo cáo kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tháo gỡ.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP