Chúng tôi về xã Châu Hồng - huyện Qùy Hợp - Nghệ An giữa mùa hè, thời điểm mà cuộc sống của người dân bị đảo lộn trầm trọng, tinh thần khủng hoảng khi nhà cửa sụt lún, nứt nền tường; trong vườn, sân của nhiều hộ còn xuất hiện những hố sâu hoắm.
Đau buồn trước nguy cơ mất nhà |
Bà Hoàng Thị Hoài ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng nói trong nước mắt: “Cả đời làm lụng, mãi đến 60 tuổi mới chắt góp xây được cái nhà, nay tường, nền bị nứt, không biết sập lúc nào. Lo nhà sập, đã nhiều đêm vợ chồng bà phải đi ngủ nhờ nhà người thân. Giờ không biết lấy tiền đâu để làm lại nhà!”
Được biết, xã Châu Hồng là địa phương giàu khoáng sản, hiện trên địa bàn đang có 12 doanh nghiệp đang khai thác. Trong đó, có 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Trong quá trình khai thác, có doanh nghiệp lắp đặt hệ thống bơm hút nước ngầm trong hang cát tơ dưới lòng đất sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác.
Từ cuối năm 2020, trên địa bàn xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, biến động địa chất. Đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học của xã Châu Hồng và tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.
Đến tháng 5/2022, đã có 232 hộ dân ở xã Châu Hồng bị ảnh hưởng nặng; 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn. Ngoài ra, trên địa bàn còn xuất hiện hàng chục hố “tử thần” sâu 1,5 đến 2,5m.
Con đường trơ xương
Không chỉ hứng chịu cảnh mìn nổ đinh tai nhức óc, giếng nước cạn kiệt, nhà của nứt lún mà ở miền “thủ phủ” khoáng sản này còn có những con đường tan nát, những bản làng phủ trắng bụi đá. Tất cả như càng chồng chất thêm nỗi khốn khổ mà người dân phải hứng chịu.
Điển hình như Tỉnh lộ 532 dài 25km, là trục giao thông nối các xã Châu Quang, Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến. Con đường này, nhiều năm nay cũng phải “oằn mình” “cõng” hàng nghìn lượt xe tải chở khoáng sản khiến mặt đường bị bong tróc hết lớp nhựa, trơ đá, xuất hiện nhiều điểm lún, nứt. Trời nắng thì bụi mịt mù, nếu có mưa lớn thì đường biến những vũng bùn, khiến người dân đi lại cực khổ.
Mặc dù, người dân, chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan đã đổ đất, đá cấp phối những điểm hư hỏng, vá tạm những vị trí sụt lún, “ổ trâu”, “ổ voi”. Tuy nhiên, việc tu sửa “giật gấu vá vai”, chỉ một thời gian lại như cũ.
Mặt đường chỉ còn lại xương |
Anh Bùi Văn B ở xóm Lộc Tiến, xã Châu Tiến nói: “Xe ô tô tải chạy ầm ầm cả ngày đêm, bụi cuốn mù mịt, đường 532 xuống cấp trầm trọng vì lưu thông một lượng xe quá lớn. Chưa kể, dân chúng tôi hàng ngày còn phải nghe mìn nổ nhức óc, rung nhà. Thậm chí, có hôm mìn nổ đá lăn từ núi nằm ngang đường”.
Một cán bộ UBND xã Châu Hồng cho biết: “nơi đây được xem là “thủ phủ” khoáng sản, nhưng chính quyền và người dân hầu như không được hưởng lợi gì mà ngược lại, đang phải gánh chịu hàng loạt những hệ lụy của việc khai khoáng”.
Để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông, xã Châu Hồng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đất, đá để vá lại những “ổ voi”, “ổ trâu”, nhưng cũng chẳng ăn thua, chỉ là tạm thời, cứ đổ ra lấp lại, sau vài trận mưa thì đâu lại vào đó.
Nước sông… thay màu!
Nhiều năm nay, nguồn nước sông Nậm Tôn, nằm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp luôn bị nhuộm một màu đục ngầu, đỏ quạch. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến cho không có một loài sinh vật nào dưới sông có thể sống sót!
Có mặt ở bờ sông này, đoạn chảy qua xã Châu Quang, chúng tôi không khỏi rùng mình khi những dòng bùn đỏ quạch, đặc quánh như đang lê lết “bò” qua những lớp đá cuội chảy về xuôi.
Người dân nơi đây cho biết, nước sông Nậm Tôn có màu lạ như vậy là vì do các hoạt động khai thác quặng thiếc ở phía thượng nguồn chảy ra. Hoạt động khai khoáng ở các xã Châu Hồng, Liên Hợp và Châu Quang hầu hết nguồn nước đều chảy qua các hang đá caster về xã Châu Quang, đổ ra sông Nậm Tôn rồi về hợp lưu với sông Dinh tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Quỳ Hợp và xã Châu Quang, Châu Đình.
Hai dòng sông hai màu nước |
Khu vực hợp lưu giữa sông Nậm Tôn và sông Nậm Huống có sự khác biệt rõ giữa màu nước. Trong khi nguồn nước của sông Nậm Huống có màu xanh canh hến, còn nguồn nước của sông Nậm Tôn thì đỏ như màu gạch nung.
Bao giờ hết khổ?
Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Hợp, đến tháng 3/2022, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 79 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn khai thác. Trong đó, có 14 mỏ khai thác quặng thiếc, 34 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, 1 mỏ khai thác nước khoáng, 1 mỏ cát sỏi.
Ngoài ra Quỳ Hợp còn có 78 mỏ đã hết hạn khai thác. Trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Nghệ An; có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 47 xưởng sản xuất hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động khoáng sản tập trung ở 10 xã trọng điểm gồm: Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Lộc, Thọ Hợp, Liên Hợp, Châu Cường, Châu Quang, Châu Thành, Minh Hợp và Nghĩa Xuân.
Biết bao giờ hết khổ? |
Được biết, hầu hết các mỏ khoáng sản đều được cấp phép khai thác trong vòng 15-30 năm, như vậy, người dân nơi có hàng chục mỏ khoáng sản sẽ phải sống chung với ô nhiễm môi trường trong khoảng thời gian tương ứng. Một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp từng nói: “Mang tiếng là huyện giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng chúng tôi hầu như không được gì, trong khi mất thì quá nhiều. Đó là ô nhiễm môi trường, mất đất sản xuất, mất an ninh trật tự…”.
Tác giả: CAO SƠN - Ảnh: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn