Giáo dục

Rộ trúng tuyển từ học bạ, tuyển thẳng

Nhiều trường đã công bố kết quả tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ, thi đánh giá năng lực với chỉ tiêu lên tới hàng ngàn khiến chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia giảm hẳn

Trường ĐH Kinh tế TP HCM vừa công bố kết quả tuyển thẳng năm 2019 với hơn 2.000 thí sinh (TS) trúng tuyển ĐH chính quy. Nhiều nhất trong số đó là kết quả trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng cho các đối tượng là học sinh đạt giải học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, thành phố; học sinh giỏi 3 năm THPT tất cả các trường THPT trên toàn quốc có điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 từ 8 trở lên; học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên.

Chưa có điểm thi đã trúng tuyển 4 trường

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết năm nay đề án tuyển sinh của trường mở rộng các phương án xét tuyển thẳng nên chỉ tiêu cho diện này cũng tăng, lên tới hơn 2.000. Kỳ tuyển sinh năm 2019 trường tuyển 5.000 chỉ tiêu nên chỉ còn 3.000 chỉ tiêu để xét từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 sẽ được biết điểm thi vào ngày 14-7 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng vừa công bố kết quả xét tuyển bằng học bạ vào các ngành đào tạo chất lượng cao; kết quả tuyển thẳng diện TS thuộc trường chuyên và TS học ở các trường THPT thuộc tốp 200 trên cả nước. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết xét học bạ đối với hệ chất lượng cao trường gọi 40% chỉ tiêu. Ở các ngành, trường gọi từ 5% đến 20% tùy ngành. Tính chung, xét học bạ và tuyển thẳng trường gọi khoảng 10% tổng chỉ tiêu (5.500 chỉ tiêu) của trường.

Ông Dũng thông tin thêm vừa qua, khi trường công bố kết quả xét học bạ, tuyển thẳng và liên lạc đến các TS trúng tuyển thì được biết có nhiều em trúng cùng lúc 4 trường.

Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng công bố kết quả ưu tiên xét tuyển thẳng. Theo đó, tỉ lệ xét tuyển thẳng của trường là 30% tổng chỉ tiêu (4.500 chỉ tiêu). Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng dù chỉ tiêu tuyển thẳng là 30% nhưng khó lòng tuyển đủ vì thực tế với phương thức này, TS trúng cùng lúc nhiều trường gây ảo nên chỉ tiêu lớn vẫn xét từ kết quả thi THPT quốc gia.

Điểm chuẩn nhiều trường sẽ tăng mạnh

Với việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, xét học bạ, xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn từ xét kết quả thi THPT quốc gia dự kiến sẽ tăng cao.

Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan cho rằng với việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển thì khả năng điểm chuẩn xét từ kết quả thi THPT quốc gia sẽ tăng vì chỉ tiêu bị thu hẹp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhìn nhận hiện nay, các trường tung ra nhiều phương thức xét tuyển, ngoài phương án xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ngay như ĐHQG TP HCM có 5 phương thức, mỗi phương thức có một tỉ lệ chỉ tiêu nhất định, trong đó xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG tổ chức lên tới 40%. Khi có nhiều phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi so với các năm trước. "Năm nay, số TS đăng ký tăng cao, đề thi dễ hơn năm 2018 thì khả năng điểm chuẩn của phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ tăng" - tiến sĩ Nghĩa nhận định.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, số lượng TS trúng tuyển theo nhiều phương thức xét tuyển là khá nhiều, điều này sẽ tác động đến điểm chuẩn xét từ kết quả thi THPT quốc gia. "Chỉ tiêu xét từ kết quả thi THPT quốc gia không còn nhiều nên điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là khối các trường ĐH thuộc ĐHQG TP HCM sẽ tăng mạnh" - ông Dũng dự đoán.

Đau lòng chứng kiến con bị hoang tưởng sau khi đi du học về

Tác giả: Huy Lân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP