Hai mẹ con chị Hoàng Thị Dân (sinh năm 1962) và em Hoàng Thị Bích Hạnh (sinh năm 2001), ở thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vốn không có nhà ở. Cách đây mấy năm, người anh cả của chị Dân đi làm ăn xa nên cho mẹ con chị mượn nhà, dạo gần đây bệnh tình trở nặng, hai mẹ con đã chuyển về sống với mẹ chị để bà tiện chăm sóc.
Bà Võ Thị Điu (80 tuổi - mẹ chị Dân) cho biết: “Từ khi sinh ra, nó đã rất hay ốm đau, bệnh tật. Vì mặc cảm bản thân nên nó không dám mở lòng cùng ai. Đến năm 39 tuổi thì có cháu Hạnh, ai cũng mừng cho nó có người đỡ đần lúc về già. Mừng bao nhiêu thì lại thương nó bấy nhiêu vì mẹ con lẻ bóng, sống nương nhờ vào tình thương của anh em, làng xóm”.
Mẹ con Hạnh trong căn nhà mượn tạm |
Hai mẹ con chị có duy nhất một sào ruộng, mặc dù sức khỏe yếu nhưng chị vẫn làm rồi chăn nuôi thêm, chỉ mong đủ trang trải cuộc sống của 2 mẹ con. Lúc Hạnh bắt đầu đi học, nhiều chi phí bắt đầu phát sinh.
“Nhiều lúc tôi cũng muốn đi làm thuê làm mướn, kiếm thêm ít tiền nhưng vì sức khỏe yếu nên có muốn đi cũng không ai thuê”, chị kể.
Khoảng 5 năm trở lại đây, bụng chị Dân to bất thường, những cơn đau cũng dồn dập hơn, chân tay sưng phù. Đi khám thì bác sĩ bảo sỏi thận, sau khi mổ về nhà, bệnh tình của chị không thuyên giảm mà còn nặng thêm.
Cuộc sống đã vất vả nay lại càng khổ sở hơn. Từ đầu năm đến nay tuần nào chị phải đi chạy thận. Lúc đầu đến Bệnh viện tỉnh, sau được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Binh, mỗi tuần 3 lần đều đặn chị tự bắt xe buýt đi.
Số tiền 40 triệu nợ ngân hàng lúc mổ thận giờ lại thêm chạy thận hàng tuần, chị không biết lấy gì để trả, trong khi đó đơn thuốc mỗi tháng hơn 1,5 triệu đồng gia đình vẫn phải chi. Nợ nần chồng chất, giờ chị cũng khó lòng vay thêm ai được nữa.
Mẹ đau ốm triền miên là thế, lớn lên không có tình thương của bố, cuộc sống vất vả nhưng Bích Hạnh rất ham học và học rất giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 10, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Điểm tổng kết trung bình môn của em luôn trên 8,2, em rất thích học môn Vật Lý và điểm tổng kết môn này của em chưa bao giờ dưới 8,5.
Hạnh bảo, sách thì em mượn lại, áo quần thì các anh các chị cho, rất ít khi em có đồ mới, biết mẹ đau ốm nên em chẳng đòi hỏi bao giờ. Đôi lúc nhìn các bạn xúng xính áo quần mới, bố mẹ đưa đón đi học em cũng tủi thân lắm, nhưng nghĩ lại thì vẫn thấy thương mẹ nhiều hơn.
“Các khoản đóng góp ở trường em được các cậu các dì cho, cũng có khi thầy cô biết hoàn cảnh nên đóng cho em mỗi người một ít, biết là rất khó khăn nhưng càng khó em phải càng cố gắng”, Hạnh nói, mắt em ánh lên vẻ quyết tâm.
Mẹ con chị Dân lâu nay ở căn nhà mượn của người anh, mưa thì dột, lũ nước ngập gần 2 mét nên cứ mưa to, người phải chạy trước. Từ khi bệnh tình trở nặng, hai mẹ con đã chuyển về ở với bà ngoại để tiện chăm sóc vì gia đình cậu út cũng đã đi miền Nam làm ăn.
Sắp đến năm học mới, hỏi có áo quần mới chưa, Hạnh chỉ lặng lẽ lắc đầu. Em bảo: “Hè mọi năm em còn may nón kiếm thêm tiền mua vở, năm nay theo mẹ đi viện nhiều quá nên không có thời gian làm thêm nữa. Áo quần sách vở cũ cũng được, miễn là không phải nghỉ học giữa chừng thôi chị ạ”. Câu nói của cô bé học trò nghèo khiến người nghe phải thắt lòng.
Em Hạnh học rất giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học vì nhà nghèo |
|
Thầy Phạm Văn Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp Hạnh cho biết: “Hạnh là một học sinh rất ngoan ngoãn và có học lực giỏi, từ khi biết bệnh tình của mẹ em, nhà trường và lớp cũng rất quan tâm. Giờ tôi chỉ mong em được giúp đỡ nhiều hơn để có thể tiếp tục đến trường”.
Ra về, hình ảnh người mẹ gầy gò, già nua cùng ánh mắt cô bé học sinh giỏi chỉ chực khóc khi hỏi về việc sau này muốn làm gì và tập giấy khen từ mẫu giáo đến lớp 10 vẫn được cất gọn gàng khiến chúng tôi chùn bước. Hạnh tha thiết được đi học, nhưng bệnh tình của mẹ khiến em lo lắng, lo cho sức khỏe của mẹ đến con đường học hành tương lai của mình. Lúc này, chỉ mong những tấm lòng hảo tâm có thể tiếp thêm sức mạnh để giúp cho cô bé đầy nghị lực vượt qua nỗi khó khăn.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Chị Hoàng Thị Dân, thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy,thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. SĐT em Hạnh: 0164 939 6957 |
Tác giả: Hải Sâm
Nguồn tin: Báo VietNamNet