Thế giới

Tokyo chuẩn bị cho thảm họa hủy diệt trong trận động đất thế kỷ

Ngày X - trận động đất lớn tấn công trung tâm Tokyo trong sự kiện thảm khốc nhất kể từ sau Thế chiến II - là thảm họa hủy diệt dự kiến xảy ra trước năm 2050.

Mỗi ngày, vào lúc 17h, giai điệu nhẹ nhàng của bài hát thiếu nhi Yuyake Koyake vang lên khắp khu vực Minato của Tokyo từ một chiếc loa - một trong hàng trăm tiếng nhạc vang khắp các trường học và công viên trong siêu đô thị 37 triệu dân này.

Đây là thử nghiệm cho hệ thống được thiết kế để cứu người Tokyo khỏi một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử loài người được ghi lại: một trận động đất tấn công trung tâm thành phố đông dân nhất trên Trái Đất.

Trẻ em tham gia cuộc diễn tập thảm họa tại một trường tiểu học ở Tokyo. Ảnh: AFP/Getty.

Trận động đất lớn cuối cùng xảy ra ở Tokyo là vào năm 1923. Các chuyên gia dự đoán trận động đất tiếp theo sẽ diễn ra vào khoảng một thế kỷ, với ước tính 70% khả năng trận động đất mạnh 7 độ đánh vào Tokyo trước năm 2050.

Theo Guardian, tác động sẽ ở mức hủy diệt. Theo ước tính, một trận động đất mạnh 7,3 độ xảy ra ở phía bắc vịnh Tokyo có thể giết chết 9.700 người và làm bị thương gần 150.000 người.

Chuẩn bị cho Ngày X

Dự kiến có tới 3,39 triệu người sơ tán sau ngày xảy ra thảm họa, với hơn 5,2 triệu người mắc kẹt và hơn 300.000 tòa nhà có thể bị phá hủy bởi trận động đất hoặc hỏa hoạn theo sau.

Đây sẽ là sự kiện thảm khốc nhất ở Tokyo kể từ khi vụ ném bom của Mỹ vào tháng 3/1945 giết chết 100.000 người và thiêu rụi hơn 267.000 tòa nhà.

Khi trận động đất 7,9 độ Great Kanto xảy ra bên dưới đảo Oshima, cách phía nam trung tâm Tokyo khoảng 100 km, vào trưa 1/9/1923, hàng nghìn tòa nhà đổ sập, hỏa hoạn bùng phát, những người thoát nạn mô tả cảnh tượng như địa ngục trần gian.

Con số tử vong và thương tật được ước tính chính thức là 105.000 trên toàn Tokyo và thành phố cảng lân cận Yokohama, mặc dù một số báo cáo cho biết nó còn cao hơn nhiều.

Các bộ trưởng nội các tổ chức cuộc họp tại Tokyo vào ngày 1/9/2018, ngày nhận thức về thảm họa hàng năm kỷ niệm trận động đất lớn Kanto năm 1923. Ảnh: Alamy.

Tokyo đã đi một chặng đường dài kể từ năm 1923. Thành phố này luôn chuẩn bị sẵn sàng cho động đất. Các tòa nhà chọc trời công nghệ cao được thiết kế để lắc lư, các công viên có nhà vệ sinh khẩn cấp và băng ghế biến thành bếp nấu. Thành phố có đội cứu hỏa lớn nhất thế giới, được đào tạo đặc biệt để ngăn chặn các đám cháy lan rộng sau động đất.

Tuy nhiên, vấn đề với động đất là chúng làm suy yếu chính những thứ được tạo ra để giảm thiểu chúng. Robin Takashi Lewis, chuyên gia ở Tokyo về chuẩn bị và ứng phó thảm họa, cho biết lo ngại của ông là sự chuẩn bị ở cấp độ cộng đồng và cá nhân.

"Trong trường hợp xảy ra một trận động đất lớn, sẽ có thiệt hại đáng kể đối với cơ sở hạ tầng quan trọng như điện, khí đốt, nước", Lewis nói. Sau trận động đất lớn, chính quyền đô thị Tokyo cho biết họ đặt mục tiêu khôi phục điện trong vòng một tuần, cung cấp nước trong một tháng và khí đốt trong vòng hai tháng.

Ông lo ngại trường hợp các nhu yếu phẩm cạn kiệt ở thành phố lớn như Tokyo và lực lượng cứu hộ quá tải khi trận động đất lớn xảy ra.

Một trang trong Cẩm nang Phòng chống Thiên tai Tokyo, hướng dẫn của chính phủ cho người dân về các thảm họa. Ảnh: Chính quyền đô thị Tokyo.

Các hộ gia đình ở Tokyo được khuyến khích cố định đồ đạc vào tường bằng cách sử dụng giá đỡ hình chữ L, đặt nêm dưới các tủ và miếng đệm chống trượt cho ghế và chân bàn.

Các cư dân Tokyo cũng được khuyên luôn lưu trữ thêm thực phẩm đóng hộp và nước đóng chai, cũng như bộ dụng cụ khẩn cấp với đèn pin, radio, pin và thuốc hàng ngày. Các cửa hàng bán "túi vệ sinh khẩn cấp", có thể gắn vào nhà vệ sinh tiêu chuẩn khi nguồn nước bị cắt.

Tuy nhiên, hàng triệu người có thể đang di chuyển trên mạng lưới đường sắt và tàu điện ngầm ở Tokyo khi trận động đất xảy ra. Tàu điện ngầm Tokyo cho biết cơ sở hạ tầng của họ đã được củng cố địa chấn và các đoàn tàu sẽ dừng khẩn cấp ngay lập tức trong tình trạng rung lắc mạnh.

Người Nhật đã quen với thiên tai. Các trường học và công ty thường tổ chức các cuộc diễn tập khẩn cấp vào ngày 1/9, ngày kỷ niệm trận động đất năm 1923 giờ được gọi là Ngày Phòng chống Thiên tai.

Chính quyền đô thị Tokyo đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn dài 339 trang, phác thảo kịch bản các thảm họa khác nhau và cách giảm thiểu rủi ro.

Được phân phối cho 7 triệu hộ gia đình bằng nhiều ngôn ngữ, nó bao gồm một bộ truyện tranh ngắn có tên Tokyo ‘X' Day. Câu chuyện kết thúc bằng dòng chữ: Đây không phải là câu chuyện giả tưởng. Trong tương lai gần, câu chuyện này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Viễn cảnh hàng triệu người mắc kẹt

Thành phố cũng đang làm việc để cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới các con đường chính cho xe cứu hỏa và cứu hộ.

Thành phố đã chọn 3.000 trường học, trung tâm cộng đồng và các cơ sở công cộng khác làm các trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn và khoảng 1.200 trung tâm dành cho những người cần được chăm sóc đặc biệt.

Đối mặt với viễn cảnh 5,2 triệu người mắc kẹt trong trận động đất lớn, chính quyền đô thị Tokyo muốn tránh việc di tản ồ ạt và khuyên mọi người nên ở lại nơi họ làm việc hoặc trường học nếu có thể.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ lưu trữ nước uống, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đủ để sử dụng trong ít nhất ba ngày cho nhân viên của họ. Chính phủ cũng đã chỉ định nơi trú ẩn tạm thời cho những người không có nơi nào để đi, nơi sẽ có sẵn nguồn cung cấp tương tự.

Học hỏi từ những thảm họa trong quá khứ, Tokyo đang áp dụng các tiêu chuẩn chống địa chấn hiện đại cho đa số các tòa nhà. Chúng sẽ uốn cong và rung lắc để tránh đổ sụp và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất lớn.

Dự án kiểm soát nước lũ ngầm G-Cans. Đây là công trình nước lũ ngầm lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Mặc dù nguy cơ thảm họa không phải là hiện tượng mới đối với Nhật Bản, tăng trưởng du lịch, sự gia tăng ổn định số lượng cư dân sinh ra ở nước ngoài và Thế vận hội Olympic năm tới đặt ra những thách thức mới vì du khách có thể không biết phải làm gì khi động đất xảy ra.

Masa Takaya, người phát ngôn của Tokyo 2020, cho biết tất cả địa điểm sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt của Nhật Bản. Ngoài ra, các nhà tổ chức cũng đang xem xét để "đảm bảo khán giả sẽ hành động an toàn nếu một trận động đất lớn xảy ra".

Chính quyền thành phố đã triển khai các ứng dụng điện thoại di động đa ngôn ngữ để giúp các nhóm cư dân quốc tế hiểu rõ những việc cần làm và mời các cư dân sinh ra ở nước ngoài tham gia khóa đào tạo thực hành.

Lewis, chuyên gia về phòng chống thiên tai, nói rằng, với quy mô và sự phức tạp của thành phố, chính phủ đang làm tốt công việc chuẩn bị cho công dân của mình trước trận động đất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn "những khoảng trống và thách thức".

Cho dù Tokyo có chuẩn bị như thế nào đi chăng nữa, thật khó để chính thức lên kế hoạch cho sự hỗn loạn. Khi Ngày X cuối cùng cũng đến, chính người dân Tokyo sẽ được kêu gọi để cứu lấy thành phố của họ.

Tác giả: Tuyết Mai

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Tokyo ,hủy diệt ,động đất

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP