Cộng đồng mạng

Đợi 1 tiếng giữa nắng nóng, shipper bị khách Hà Nội ‘bom hàng’ tiền triệu

Không phải bỏ vốn, công việc giao hàng đưa đến cho các shipper nguồn thu nhập khá tốt tuy nhiên họ cũng gặp phải nhiều tình huống cười ra nước mắt từ công việc này.

Cao Văn Long (SN 1994, Thanh Hóa) đang là sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội. Ngoài việc học trên giảng đường, Long đang là một shipper cho 2 cửa hàng. Anh làm công việc này đã được 7 năm.

Long đăng ký tín chỉ các môn học vào buổi sáng, dành thời gian buổi chiều cho việc làm thêm. Khoảng 11 giờ, kết thúc việc học ở trường, anh tranh thủ giao hàng. 12 giờ trưa, anh nghỉ ăn cơm, 1 giờ chiều Long lại tiếp tục giao hàng cho đến tối.

Anh Cao Văn Long

‘Mỗi ngày, tôi giao được khoảng 10 -12 đơn hàng, trung bình tôi chạy xe khoảng 100km để hoàn thành hết số đơn trên’, dừng chân sau khi giao một đơn hàng giữa buổi trưa nắng nóng, Long nói.

‘Đây là một công việc tạm giúp tôi kiếm thêm thu nhập. Công việc dùng sức đơn thuần, không cho mình quá nhiều kỹ năng. Bên cạnh đó, nó còn khá hại sức khỏe, hại xế (xe máy) nhưng bù lại tôi được nhiều trải nghiệm’.

Một trong những điều anh học được chính là sự kiềm chế, kiên nhẫn, điềm đạm hơn trong mọi tình huống phát sinh.

Một lần, Long nhận đơn giao bếp từ cho một khách ở Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy). Chiếc bếp từ nhập khẩu khá lớn được bọc cẩn thận trong thùng catoon và Long dùng dây chun chằng buộc cẩn thận ở phía sau xe. Tuy nhiên do hàng lớn nên trong quá trình chằng buộc, dây chun đã khiến 1 góc thùng bị móp mặc dù bếp bên trong hoàn toàn nguyên vẹn.

Khi nhận hàng, thấy góc thùng bị móp, chủ hàng lập tức phàn nàn. Người khách này cho rằng anh ta phải nhận được hàng nguyên đai nguyên kiện và yêu cầu đổi sản phẩm khác.

‘Mặc dù kiểm tra kết quả hàng bên trong không ảnh hưởng gì bên cạnh đó, tôi cũng giải thích do hàng cồng kềnh việc bị móp thùng là không tránh khỏi nhưng khách vẫn nằng nặc đổ lỗi và đòi đổi hàng.

Cuối cùng tôi buộc phải gọi về chủ cửa hàng nhờ anh can thiệp. May mắn chủ cửa hàng đứng ra giải quyết ổn thỏa’, anh Long nhớ lại.

Một lần khác, Long nhận đơn ship khoảng 5-6 kg thịt lợn sạch (giá 180 nghìn đồng/kg) cho một người phụ nữ ở nội thành Hà Nội.

‘Số thịt lợn được làm vào sáng cùng ngày nên tươi ngon. Đợt đó vào mùa hè, từ cửa hàng đến nhà của khách chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy vì vậy sau khi gọi điện cho khách tôi đưa hàng đi ngay. Tuy nhiên đến nơi, khách lại nói hiện không ai có nhà. Chị ấy có việc gấp phải ra ngoài và đề nghị tôi chờ’, anh Long kể.

Nam sinh viên chờ đợi, 30 phút sau anh gọi nhưng khách vẫn chưa về nhà. Gần 1 tiếng sau, người khách mới quay trở lại. Tuy nhiên lúc khách dùng tay kiểm tra thịt lợn thấy nhớt nên không đồng ý nhận hàng.

‘Khi tôi nói do nắng nóng, để suốt 1 tiếng đồng hồ ngoài trời khiến cho thịt không còn tươi ngon như ban đầu, vị khách lại quay ra trách chúng tôi không bảo quản cẩn thận.

Chị ta nói chúng tôi phải cho thịt vào thùng đá để giao hàng mặc dù quãng đường từ cửa hàng qua nhà khách rất gần.

Như vậy, chờ đợi suốt 1 tiếng đồng hồ tôi vẫn bị khách từ chối. Tôi đành mang số thịt trên quay trở về’, anh Long ngán ngẩm.

Các tài xế công nghệ chờ lấy hàng để giao cho khách

Theo anh Long, việc đã gọi điện thoại hẹn trước nhưng lúc đến nơi khách lại nói có việc đột xuất ra ngoài thậm chí quên mất… không thể nhận hàng là chuyện rất bình thường. Những lúc đó, shipper phải đưa hàng trở về gây mất thời gian, tốn xăng xe nhưng đành chấp nhận và giao hàng cho khách vào hôm khác.

‘Cũng có những khách làm việc tại các tòa nhà cao tầng hay sinh sống ở các chung cư, lúc chúng tôi đưa hàng đến lại yêu cầu shipper phải giao tận phòng. Tôi đều phải giải thích, tôi muốn vào phải gửi xe và nếu gửi được xe thì không ai trông đồ cho chúng tôi. Khi tôi đưa lên tận nơi cho khách có thể sẽ bị mất đồ đang để dưới xe và mong khách thông cảm’, anh Long chia sẻ.

Nam thanh niên này nói, sau 7 năm làm công việc giao hàng, điều khiến anh Long hài lòng nhất là anh có thể học được cách bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc trước mọi tình huống. Câu đầu tiên anh luôn nói trong mọi trường hợp là lời xin lỗi và mong khách thông cảm.

‘Tôi không muốn va chạm, cãi cọ gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc. Công việc của chúng tôi phải tham gia giao thông, di chuyển rất nhiều, nếu cảm xúc tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng tâm lý, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào’.

Tuy nhiên cũng có những khách hàng khiến anh Long phải nói lời cảm ơn. Trước đây ngoài giao hàng, tôi kiêm thêm dịch vụ xe ôm. Công việc này cho tôi tiếp xúc với khá nhiều người. Lần đó, tôi chở một khách đi quãng đường không quá xa. Trên đường đi khách nói chuyện rất vui vẻ. Chúng tôi bàn luận đủ thứ chuyện.

Khi xe dừng lại, khách xuống xe anh ta bắt tay tôi. Sau khi trả số tiền cho quãng đường, anh ấy bảo tôi chờ đợi. Tôi khá tò mò nhưng vẫn làm theo. Anh ta bắt đầu cho tay vào túi quần trái của mình, rồi túi quần phải sau đó lục túi áo, lục balo… tìm ra những đồng tiền lẻ. Sau đó anh vuốt phẳng phiu và đem hết số tiền đó cho tôi’.

Mặc dù anh Long từ chối nhưng người khách vẫn dúi vào tay anh. Người này còn nói lời cảm ơn khiến nam sinh viên vô cùng cảm động.

Tác giả: Ngọc Trang - Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP