“Gần đây, thông tin về phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang trên khắp cả nước hầu hết đã được đưa lên mạng Internet, giúp thân nhân gặp thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm. Nhưng có điều, bố mẹ hay vợ của liệt sĩ đều đã già, có những người ở nơi thôn cùng xóm vắng sẽ ít có điều kiện tiếp cận và tra cứu. Vì thế, tôi nghĩ mình phải đến tận nơi xin danh sách, sơ đồ phần mộ và tìm cách chuyển đến cho gia đình” - ông Triển bộc bạch.
Khi còn ở chiến trường, ông Nguyễn Tất Triển đã từng được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trở về cuộc sống đời thường, ông Triển cùng các đồng đội thường xuyên vào chiến trường xưa thăm viếng mộ đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: NVCC |
Ông Nguyễn Tất Triển (SN 1949) quê ở xã Minh Sơn (Đô Lương), nhập ngũ năm 1967 và được biên chế vào Trung đoàn 1 - Sư đoàn 324, địa bàn chiến đấu chủ yếu ở mặt trận Trị - Thiên và chiến trường Lào. Gan dạ và dũng cảm trong chiến đấu, người chiến sĩ ấy từng lập được nhiều chiến công, được tặng 4 Huân chương Chiến công và 5 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Năm 1973, trong một trận chiến đấu, Nguyễn Tất Triển bị mảnh đạn pháo xuyên vào bụng rồi cắm vào ruột, phải phẫu thuật để nối lại. Không thể tiếp tục ở lại chiến đấu, ông được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Trung tá. Nghỉ hưu, ông Triển vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội, làm cán bộ khối phố, Hội Cựu chiến binh, rồi Bí thư Đảng ủy phường Trung Đô.
Gần đây, mỗi khi cảm thấy sức khỏe ổn định, ông Nguyễn Tất Triển lại thu xếp công việc vào Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tìm đến các nghĩa trang lớn, nhỏ để xin danh sách và phần mộ liệt sĩ quê Nghệ An. Cách làm của ông là xin ghi chép lại danh sách liệt sĩ, rồi ra khu mộ đối chiếu, ghi chép vị trí của từng ngôi mộ theo hàng dọc, ngang.
Từ đầu năm 2019 đến nay, ông Triển đã 3 lần vào Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tìm mộ đồng đội. Ảnh: NVCC |
Về nhà, ông phân chia danh sách liệt sĩ tìm được theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh và số mộ chí. Điều đáng nói nữa là tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Tất Triển vẫn học hỏi và thành thạo kỹ năng soạn thảo văn bản trên máy vi tính và sắp xếp danh sách một cách hợp lý, khoa học.
Mỗi lần có thêm danh sách mới, ông Triển in ấn thành nhiều bản, thông qua Hội Cựu chiến binh tỉnh gửi về hội cấp huyện và nhờ chuyển về xã, tìm cách liên hệ, kết nối với thân nhân, gia đình. Trong vòng 3 năm qua, ông đã có nhiều chuyến đi và thống kê, phân loại địa bàn cho gần 800 phần mộ liệt sĩ quê Nghệ An nằm rải rác khắp các nghĩa trang vùng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Riêng năm 2018, ông Triển có 4 chuyến đi đến các nghĩa trang ở Hương Trà, Phong Điền, A Lưới (Thừa Thiên -Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị), và từ đầu năm 2019 đến nay ông đã có 3 chuyến đi vào chiến trường xưa tìm đồng đội. Kết quả, đã thống kê và lập danh sách 246 phần mộ, gửi về các địa phương, chờ hồi âm.
Việc tìm kiếm phần mộ của ông Nguyễn Tất Triển bước đầu đã có những tín hiệu tốt đẹp khi nhờ những thông tin của ông mà một vài gia đình đã tìm và đưa mộ người thân về quê hương. Đó là gia đình liệt sĩ Bùi Văn Thanh ở xã Minh Sơn (Đô Lương), các liệt sĩ Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hoa ở thành phố Vinh.
Tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ, ông Nguyễn Tất Triển phân chia danh sách liệt sĩ tìm được theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh và số mộ chí rồi in thành nhiều bản, thông qua Hội Cựu chiến binh tỉnh gửi về hội cấp huyện và nhờ chuyển về xã, tìm cách liên hệ, kết nối với thân nhân, gia đình. Ảnh: Công Kiên |
Và một số gia đình ở các huyện, thị đã liên lạc với ông để bày tỏ ân nghĩa, vì nhờ ông mà họ biết được nơi người thân mình đang an nghỉ để vào thăm viếng. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm, mở rộng quy mô lên các địa bàn vùng sâu, vùng xa gần biên giới Việt - Lào.
“Càng về sau, tâm tư luôn thôi thúc tôi trả phần nào “món nợ” ân tình cho đồng đội. Trong chiến trường, tham gia hàng trăm trận đánh, có khi đang ngồi ăn hay trên đường hành quân, đột nhiên người cạnh bên trúng mảnh đạn rồi hy sinh. Được trở về cùng gia đình, có mái ấm hạnh phúc, con cháu đuề huề, tôi có cảm giác như đồng đội ngã xuống để dành phần sống cho mình”. Cựu chiến binh Nguyễn Tất Triển |
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc tại Nghệ An
Tác giả: Công Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An