Chưa đủ căn cứ nói chương trình lớp 1 nặng
Chiều 30/9, Bộ GD&ĐT trả lời báo chí về thông tin chương trình lớp 1 mới được cho là nặng, nhịp độ dạy nhanh, học sinh tiếp thu không kịp.
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, vài ngày gần đây, một số phụ huynh và giáo viên phản ánh trên mạng xã hội về chương trình lớp 1 mới nặng.
Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản từ cá nhân hay tổ chức nào phản ánh chương trình nặng.
Tuy nhiên, trên cơ sở lắng nghe dư luận, Bộ GD&ĐT muốn trao đổi rõ hơn về vấn đề này.
Theo TS Thái Văn Tài, chương trình mới vừa bắt đầu được 1 tháng nhưng nhiều ý kiến kêu “nặng” là chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ.
Ông Tài lý giải, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và quy định khung thời lượng cho một năm học.
Theo đó chương trình lớp 1 mới có 9 môn học. Chương trình cũng quy định chuẩn đầu ra cho từng môn khi kết thúc năm học.
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT). |
Ví dụ môn tiếng Việt, sau khi kết thúc năm học, các em phải đọc được mỗi phút bao nhiêu từ, đọc hiểu như thế nào…
Để đáp ứng được chuẩn đó, chương trình quy định môn tiếng Việt có 420 tiết và 5 bộ SGK được thiết kế khác nhau dựa trên khung thời lượng này.
Để có được chương trình này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều công đoạn, đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, hội đồng các nhà khoa học.
“Nếu chúng ta tiếp cận chương trình sau khi trải qua những quy trình rất chặt chẽ này mà nhận định “nặng” là chưa đủ căn cứ xác đáng”, TS Thái Văn Tài khẳng định.
Đặc biệt, theo TS Thái Văn Tài, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quy định “mở” có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
“Do vậy, trong quá trình triển khai, Bộ sẽ lắng nghe những ý kiến phái sinh trong thực tế.
Khi đã đủ thời gian, đủ ý kiến của các nhà khoa học, chúng ta sẽ tổ chức đánh giá lại chương trình”, TS Thái Văn Tài nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, chương trình lớp 1 mới thực hiện được một tháng, dư luận cần có góc nhìn khách quan.
Học sinh được học thời lượng nhiều hơn trong khi lượng kiến thức nhẹ hơn.
Ví dụ, cùng khối lượng kiến thức, trẻ học trong 3 giờ sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn học 2 giờ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. |
Giáo viên tự lên kế hoạch dạy phù hợp
Trao đổi tại họp báo, ông Thái Văn Tài cho biết, chủ trương khi xây dựng chương trình lớp 1 mới, sau khi kết thúc năm học, cố gắng các em có thể đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt nhằm học những môn khác.
Do đó, về mặt kiến thức của môn tiếng Việt không cao hơn chương trình hiện hành, thậm chí tinh giản.
Tuy nhiên, về thời lượng của môn này được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết. Trong khi đó, môn Toán đã giảm đi 70 tiết so với môn khác.
Do vậy, tần suất học tiếng Việt của học sinh khi học chương trình mới sẽ nhiều hơn số tiết của môn tiếng Việt của chương trình hiện hành nên nhiều người ngỡ như vậy là nặng.
Trao đổi thêm về việc dạy học chương trình lớp 1 mới hiện nay, TS Thái Văn Tài lý giải thêm: SGK chỉ là phương án, đường hướng để giáo viên thực hiện dạy học.
Với yêu cầu và chuẩn đầu ra cho từng năm học, giáo viên phải phân tích chương trình, SGK để lên kế hoạch dạy học nhằm đảm bảo yêu cầu.
“Việc xây dựng kế hoạch phải dựa trên nhiều yếu tố phù hợp: Nhà trường có thể thực hiện đến đâu, đối tượng học sinh trong lớp như thế nào…
Học sinh đang học chương trình lớp 1 mới ở Thái Bình. |
Qua quá trình kiểm tra của Bộ GD&ĐT cho thấy, mỗi trường có cách thức thực hiện hoàn toàn khác nhau, phù hợp đặc trưng của trường đó, từng lớp đó và từng khả năng sở trường của từng giáo viên”, TS Tài cho biết.
Được biết trước đó, nhiều phụ huynh và giáo viên phản ánh, chương trình SGK lớp 1 mới triển khai được một tháng nhưng khá nặng, nhịp độ dạy đang nhanh khiến học sinh tiếp thu không kịp.
Ở chương trình cũ, mỗi ngày học Tiếng Việt, tức hai tiết, các em chỉ cần nắm hai âm mới cùng với 4 từ đơn giản và một câu ngắn gọn.
Trong khi đó có những bộ sách mới, bài đọc dài, khoảng 3 câu. Chưa kể đến, việc học các âm ghép như “nh”, “ng” hay “ngh” được đẩy lên đầu.
Có bộ sách chưa đến một tháng, học sinh phải học hết bảng chữ cái trong khi theo quy định, học sinh không được học trước chữ cái.
Với đặc trưng SGK như vậy, nhiều người lo ngại phải dạy chữ trước, nếu không, học sinh không thể theo kịp chương trình.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí