Nhân ái

Phận đời éo le của 8 chị em mồ côi cả bố lẫn mẹ

Chồng ra đi chỉ sau vài tháng phát hiện mắc bệnh ung thư. Đúng 8 tháng sau người vợ cũng bị đột tử để lại 8 đứa con côi cút giữa dòng đời. Suốt gần hai năm nay, những đứa con tội nghiệp ấy chỉ biết nương tựa vào nhau để sinh sống, học tập khi bố mẹ vĩnh viễn không còn trên cõi đời…

Phận đời éo le của 8 chị em mồ côi
Từ ngày bố mẹ mất, mấy chị em chỉ biết nương tựa vào nhau để sống

Một năm mất cả bố lẫn mẹ

Căn nhà của mấy chị em Trần Thị Lan (SN 1991), trú xóm 12, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vắng bóng bố mẹ suốt gần 2 năm nay. Ngôi nhà nằm tách biệt ở cuối xóm càng khiến không khí thêm u ám, ảm đạm. Nhưng với những đứa con đang sinh sống trong ngôi nhà này, dường như đã hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên các em chấp nhận số phận, hàng ngày nương tựa vào nhau.

Do người anh cả Trần Văn Sự (SN 1989) đang đi làm thuê ở xứ người nên những biến cố trong gia đình được người em gái nghẹn ngào kể lại. Lan cho hay, gia đình em có 10 người tất cả. Cuộc sống gia đình chỉ biết dựa vào đồng ruộng và những công thợ xây khó nhọc của bố. Thế nhưng, chỗ dựa ấy của 8 chị em cũng vĩnh viễn mất đi.

Mỗi lúc nhớ bố mẹ, các em lại lôi bức ảnh trong tủ ra ngắm nghía
Đó là cuối năm 2013, do cảm thấy mệt mỏi trong người, hay đau ở vùng bụng, ông Trần Văn Tích (SN 1967) đi lấy thuốc về uống nhưng không thuyên giảm. Chạy chữa ở nhà một thời gian nhưng không được, người đàn ông này mới quyết định đến bệnh viện thăm khám. Tại BVĐK Nghệ An, ông Tích được chuẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ngay sau đó, ông Tích được chuyển ra BV K Hà Nội để chữa trị.

“Lần đó, số tiền mà mẹ cầm đi chữa bệnh cho bố khoảng mười mấy triệu đồng. Đó là tất cả tài sản trong gia đình”, Lan nhớ lại.

Di ảnh của bố mẹ trong căn nhà hiu quạnh của 8 đứa con bất hạnh
Nhưng điều trị chừng vài tuần lễ, người đàn ông này nằng nặc đòi xuất viện về nhà khi biết rõ bệnh tình của mình. Chị Hoàng Thị Luận (SN 1967 vợ ông Tích), dù rất thương chồng, nhưng vì hoàn cảnh, không còn sự lựa chọn nào khác, đành gạt nước mắt đưa chồng về nhà nằm chờ chết.

Trong khoảng thời gian này, người thân đã tìm mọi cách để kéo dài sự sống cho ông Tích bằng các bài thuốc nam, thuốc bắc. Hễ nghe ai mách nước bài thuốc gì, là họ lại tìm đến với hy vọng chờ đợi một phép màu. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Vào một ngày đầu tháng 1/2014, người đàn ông đó đã vĩnh viễn ra đi sau hơn 3 tháng trời chịu đựng những cơn đau đớn của bệnh tật.

Nỗi nhớ thương của những đứa bé thơ dại trong căn nhà vắng bóng bố mẹ. Hai em Hường và Hồng ngước nhìn di ảnh bố mẹ
Dù đã xác định trước hoàn cảnh, nhưng vợ con vô cùng sốc, nhất là chị Luận. Người phụ nữ này dường như suy sụp. Mất một thời gian dài, chị gắng gượng dậy để nuôi các con. Nhưng tai ương lại tiếp tục giáng xuống gia đình khốn khổ này.

Chỉ đúng 8 tháng sau ngày chồng mất, người vợ cũng theo chồng lìa bỏ trần gian. Lan đau buồn nhớ lại: “Dịp đó, mẹ thường thấy mệt mỏi trong người. Sau đó, cũng đi chụp chiếu ở nhiều nơi, kết quả không có bệnh lý gì nguy hiểm. Nhưng không hiểu sao, ốm đau chừng vài tuần, mẹ lại đột ngột ra mà chúng em không rõ lý do”.

Để có cái ăn, trang trải cuộc sống, các chị em Lan đều giúp nhau trong việc chăm sóc con lợn. Những hôm anh chị đi vắng, hai đứa em út lại quán xuyến công việc trong nhà
Liên tiếp hai cái tang đổ xuống trong nhà khiến 8 đứa con khóc ngất. Chứng kiến mấy anh chị em chít khăn trắng đứng bên quan tài mẹ nhiều người không cầm được nước mắt. Ai nấy đều xót xa cho hoàn cảnh bi đát của các em, khi trong phút chốc, chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

8 anh em cút côi giữa dòng đời

Lúc người mẹ mất, đứa con út tên là Trần Thị Hồng mới học lớp 1. Dù còn ít tuổi nhưng cô bé đã hiểu mọi chuyện trong gia đình mình. Thương em, người anh cả chỉ biết động viên để các em vượt qua nỗi mất mát quá lớn này. Ở nhà hết 100 ngày lễ tang của mẹ, Sự đành để các em ở nhà, đi làm thuê kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

Các cháu đều thiết tha đi học và tự giác học bài.
Dù bố mẹ không bên cạnh bảo ban các em học, nhưng các em luôn ý thức và học giỏi.
Còn cô con gái thứ hai, vì chuyện buồn của gia đình nên phải lùi ngày cưới của mình đến hai lần. Lan buồn rầu kể chuyện, thời điểm bố chưa đổ bệnh, bản thân đã đem lòng yêu chàng trai cùng làng. Hai bên gia đình đã tính đến chuyện cưới xin, dự định là tháng 5/2014 sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng, chuyện xấu đã ập đến, nên Lan đành dịch chuyển đám cưới đến cuối năm. Thế rồi, ít tháng sau, người mẹ lại đột ngột ra đi. Vậy là, cô con gái thứ hai đành gác lại chuyện trăm năm của mình để chu toàn nghĩa vụ của người con trong gia đình. Giữa năm 2015, Lan mới chính thức về nhà chồng.

Điều đặc, biệt là ngày cưới hôm đó nhà gái không tổ chức đám cưới, chỉ có nhà trai đến xin dâu. Sau ngày cưới, cô gái ấy không qua nhà chồng làm dâu, mà anh Trần Văn Nhung (SN 1989) quyết định về nhà vợ ở rể, để có thể lo cho các em nhỏ. Từ đó đến nay, Lan cùng chồng cố gắng làm việc để lo tiền học phí, thuốc men, ăn uống hàng ngày cho các em.

Căn nhà nhỏ đơn sơ là tài sản lớn nhất bố mẹ các em trước khi lìa cõi trần để lại.
Hằng ngày các em thay nhau chăm lợn, nuôi vịt, gà để đảm bảo cuộc sống.
Thời gian gần đây, thấy công việc ruộng vườn không ăn thua, anh Nhung quyết định đi biển. Công việc cực nhọc, nguy hiểm nhưng người anh rể này vẫn cố gắng bám bíu.

“Cũng chỉ ước sao có thể lo cho các em ăn học đàng hoàng, tìm cho mình một cái nghề để sinh sống, chứ ở quê cũng chẳng biết làm nghề chi”, anh Nhung tâm sự.

Gần một năm nay, vì anh trai và em gái đều đi làm thuê xa, nên mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều phải do một tay Lan quán xuyến. Nỗi vất vả càng nhân lên gấp nhiều khi cô gái ấy đang trong những ngày ốm nghén thai kỳ. Dù vậy, Lan vẫn luôn cố gắng vì các em.

Chị em Lan bảo ban nhau để vươn lên trong cuộc sống.
Lan bảo, đứa em thứ 5 học lớp 12 xong, nó rất thích được vào đại học, hoặc học một cái nghề gì đó. Dù biết bản thân rất khó xoay xở, nhưng hai vợ chồng sẽ cố gắng tích góp để em được theo học, đúng với mong ước của mình. Còn 4 đứa em nhỏ đang học tại quê nhà, Lan quyết tâm sẽ không cho ai nghỉ học giữa chừng để thực hiện lời hứa của bố mẹ trước lúc lâm chung.

Nói về hoàn cảnh gia đình này, ông Hồ Thế Viên, trưởng xóm 12, xã Quỳnh Thanh cho hay, hoàn cảnh của gia đình 8 anh em Trần Văn Sự đặc biệt khó khăn. Bố mẹ đều đã mất chỉ trong vòng một năm. Giờ đây, 8 anh chị em phải tự nuôi nhau.

Đơn xác nhận hoàn cảnh của chính quyền xã Quỳnh Thanh
"Cháu Lan vì thương các em mà sau khi lấy chồng đã về nhà sinh sống để tiện bề chăm sóc gia đình. Anh em hai bên nội ngoại đều nghèo đói cả nên cũng không giúp được gì nhiều. Hiện, gia đình các em đang nằm trong danh sách hộ nghèo của xã", ông Văn khẳng định.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Em Trần Thị Lan, trú xóm 12, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Số ĐT: 01652.210.894

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP