Thế giới

Ông Trump sẽ thua cuộc chiến thương mại?

Sau tất cả những gì đã được nói ra và thực hiện thì Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ thua trong cuộc chiến thương mại hiện thời.

Trong bài viết trên báo Washington Post, nhà bình luận Robert J. Samuelson nêu nhận định trên và đưa ra nhiều lý do.

Theo ông, một là các nước bị nhắm đến - nổi bật là Trung Quốc, Nhật và Đức – sẽ không nhượng bộ yêu sách của ông. Và điều này đã đang diễn ra. Hai là tác động ngược đối với các công ty Mỹ do bị tổn hại bởi thuế quan vốn đẩy giá sản phẩm của họ lên cao hơn. Và điều này cũng đang diễn ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: The Independent)

Kể cả các khả năng này có thể tránh được thì một mối nguy lớn hơn đối với chủ trương thương mại của ông Trump là vai trò đồng đôla như một đồng tiền chủ chốt của thế giới. Nó đọc ra các chính sách thương mại theo những cách không được hiểu biết rộng rãi, và là nguyên nhân chính của thâm hụt thương mại kinh niên của Mỹ.

Với vai trò là đồng tiền chủ chốt của thế giới, đồng đôla Mỹ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thương mại và thực hiện các khoản đầu tư xuyên biên giới, thậm chí khi người Mỹ không hề liên quan. Nhu cầu đồng đôla lớn khiến cho giá trị của nó tăng trên các thị trường ngoại hối. Xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn còn nhập khẩu của Mỹ rẻ hơn.

Kết quả là thâm hụt thương mại. Kể từ năm 1981, Mỹ chỉ có thặng dư tài khoản vãng lai. (Tài khoản vãng lai hiện là thước đo rộng nhất của cán cân thương mại). Khi điều gì đó tiếp tục lâu như vậy thì nó không còn là một phép tính nhầm nữa. Đó là một phần không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu. Trong thực tế, đồng đôla cung cấp một dịch vụ cho phần còn lại của thế giới. Chúng ta được bù đắp cho dịch vụ này bằng cách nhận nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Nhiều người Mỹ hưởng lợi.

Nhập khẩu hạn chế lạm phát và mở rộng lựa chọn tiêu dùng; dòng chảy tiền tệ đổ vào các công cụ đồng đôla (chứng khoán tài chính, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu...) hướng tới lãi suất thấp hơn.

Nhưng có những người thua cuộc: dễ thấy nhất là nông dân Mỹ, các nhà sản xuất và người lao động của họ. Họ đối mặt với sự cạnh tranh cao hơn của nước ngoài ở các thị trường cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Hay như nhà kinh tế học C. Fred Bergsten của Viện Peterson đánh giá: "Có một thành phần cấu trúc cho thâm hụt thương mại của chúng ta, đó là vai trò đồng tiền trung tâm của đồng đôla. Điều này tạo ra sự định giá quá mức trong các điều khoản thương mại.... Chúng ta tự gây bất lợi cho mình khi vận hành đồng tiền then chốt của thế giới".

(Lưu ý: Nhiều nhà kinh tế học không đồng tình với thuyết này. Họ cho rằng, vấn đề là người Mỹ muốn đầu tư nhiều hơn so với muốn tiết kiệm. Khoảng cách đó được lấp đầy bởi dòng chảy tư bản nước ngoài chuyển thành đồng đôla. Dù có những khác biệt, cả hai giả thuyết đều vận hành tương đồng. Chúng tạo ra một nhu cầu về đồng đôla làm ảnh hưởng đến tỷ giá tiền tệ).

Không điều nào trong số trên có thể dễ dàng truyền tải đến công chúng. Câu chuyện của ông Trump đơn giản hơn nhiều: Thâm hụt thương mại của Mỹ chứng tỏ các nước khác phân biệt đối xử với hàng hóa Mỹ; các giới hạn nhập khẩu của Mỹ cũng quá lỏng lẻo. Cách giải quyết là triệt tiêu sự phân biệt đối xử đó, và thắt chặt các hạn chế nhập khẩu. Xu hướng chống Mỹ sẽ biến mất, và thâm hụt thương mại của Mỹ cũng vậy.

Đây là lý thuyết kiểu liên kiết, bởi vì thâm hụt thương mại tự nó trở thành bằng chứng chứng tỏ các hãng Mỹ bị đối xử tàn nhẫn bởi một ai đó, kể cả chính phủ của họ. Nếu đúng thế thì nỗi ám ảnh của ông Trump về thâm hụt thương mại sẽ có ý nghĩa. Nhưng vấn đề lại không phải vậy.

Thực tế là, từ trước khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, sự bất cân bằng thương mại toàn cầu đang thu hẹp lại. Các số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, như một phần của nền kinh tế (tổng sản phẩm quốc nội), thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã lên đến đỉnh điểm 5,8% năm 2006, và giảm xuống 2,4% năm 2017. Con số này của Trung Quốc là 9,9% GDP trong năm 2007 và 1,4% trong năm 2017.

Điều gì dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục như vậy? Chủ yếu là những thay đổi trong chu kỳ kinh doanh, theo một báo cáo của IMF. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, chi tiêu mạnh đã dẫn đến các dòng chảy thương mại lớn và giá dầu cao chót vót. Điều này tạo ra bất cân bằng thương mại lớn. Khi Đại Suy thoái nổ ra, những xu hướng này đảo chiều. Các dòng chảy thương mại suy yếu, giá dầu lao dốc và bất cân bằng thương mại thu hẹp.

Những hàm ý là không thể đoán được. Kể cả theo quan điểm hương mại của ông Trump thì hầu hết các điều chỉnh cấn thiết đều đã xảy ra. Nếu ông Trump thành công trong việc buộc Trung Quốc và các nước khác phải đồng ý giảm bất cân bằng thương mại, thì những thay đổi cần thiết có thể sẽ êm xuôi hơn dự đoán.

Tổng thống Trump đã đưa bản thân ông và đất nước vào một cuộc xung đột không thể thắng. Ông đã chọc giận các đồng minh của Mỹ bằng những hành động táo bạo là tăng thuế quan và làm gián đoạn các thỏa thuận thương mại tự do đang tồn tại.

Nếu bế tắc tiếp tục kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm thì thiệt hại cho nền kinh tế thế giới sẽ rất lớn. Nhưng kể cả đàm phán có thành công thì mức độ đạt được cải thiện thương mại cũng vẫn hạn chế.

Vai trò đồng đôla là đồng tiền chủ chốt của toàn cầu lại phải gánh vác các hạn chế. Nó sẽ có xu hướng nới rộng thâm hụt thương mại Mỹ. Và ông Trump đã tự đưa mình vào góc tường mà khó có thể thoát ra dễ dàng.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Trump ,thất bại ,chiến tranh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP