Trong tỉnh

Nữ sinh giỏi 2 lần “chiến đấu” thành công tục bắt vợ

H.T là nữ sinh người dân tộc Thái vừa bước sang tuổi 18, em có dáng người mảnh mai, làn da trắng trẻo, gương mặt ưa nhìn. Ít ai ngờ T. 2 lần dũng cảm “chiến đấu” với trai làng để thoát khỏi tục “bắt vợ” – một hủ tục biến tướng tại địa phương để viết tiếp giấc mơ giảng đường đại học.

Trốn thoát trong đêm mồng Một Tết

H.T.H.T đang là học sinh cuối cấp của Trường THPT Quỳ Hợp 3. Mở đầu câu chuyện, cô bé với đôi mắt thông minh chia sẻ: “Với người Thái chúng em tục “bắt vợ” hay gọi là “trộm vợ” có từ lâu đời và hiện nay tục này vẫn còn tồn tại ở bản em.

Người lớn nói rằng, vì không có trâu, bò, vì quá nghèo không thể cưới vợ, gả chồng nên thời xưa người ta nghĩ ra cách bắt vợ để các đôi trai gái có thể về được với nhau. Nhưng hiện nay nó đã biến tướng, không phải là kết quả của tình yêu đôi lứa và không có sự đồng thuận của hai gia đình cho một cuộc hôn nhân đúng theo pháp luật và tục truyền”.

H.T. kể lại chuyện mình bị bắt vợ vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Phan

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, H.T 2 lần bị V.V.H (SN 1995) người cùng xã bắt về làm vợ. T. là bạn H. đã hơn 2 năm nay. Vào ngày mồng Một Tết, H. cùng một nhóm đối tượng đến nhà T. chơi. Tại đây anh ta uống rượu cùng bố T. Đến khoảng gần 22 giờ, nhà hết rượu, T. cùng H. đi mua. Từ nhà T. đến quán rượu khoảng 3 km và phải đi qua nghĩa địa, khi đến đây H. hỏi T.: “Em làm vợ anh nhé?”. T. trả lời còn phải học, nhưng H. không nghe và cứ phóng xe chạy với mục đích chở về nhà.

Quá hoảng hốt, T. đã liều mình nhảy khỏi xe chạy thục mạng. Khi thấy một ngôi nhà dân bên đường còn sáng đèn T. đã xin vào trốn. Tại đây em mượn điện thoại gọi thông báo về nhà gọi người đến đón về.

Có sự tiếp tay của người thân

Tiếp đến vào tối Mồng 4 tết, T. đến nhà bà ngoại chơi. Đến đây T. đã thấy thấy H. và nhóm bạn. Lúc đó các mợ bên ngoại thậm chí còn “nói tốt” về H. và gia đình anh ta. Có mợ mớm: “Cháu về nhà đó cũng sướng lắm”. Nhưng tất cả đều không lay chuyển được cô bé vừa bước vào tuổi 18: “Em nói các mợ thích đi mà lấy chứ cháu phải học, đi làm giúp đỡ bố mẹ”. Đến khoảng 21 giờ, mợ của T. bị say rượu, nhờ T. và H. chở về nhà. Trên đường đi H. đã chạy xe đến thẳng nhà bà con của anh ta ở xóm bên. “Tại đây em thấy người nhà H. cứ bàn em lấy anh ấy nhưng em không chịu”.

H.T (trái) đã 2 lần chống lại hủ tục bắt vợ để viết tiếp giấc mơ giảng đường đại học. Ảnh: Lê Phan.

Đến sáng ngày mồng Năm Tết, gia đình H. đưa trầu cau sang nhà hỏi cưới T. Bố mẹ T. nói với con gái rằng, 2 lần bị bắt vợ khiến gia đình cũng xấu hổ với làng rồi, lấy H. hay không tùy em quyết định.

Một lòng kiên quyết từ chối, T. một lần nữa đã chiến thắng trong “cuộc chiến” bắt vợ mà đến cả người thân trong gia đình em gần như buông theo hủ tục, bỏ mặc cô con gái bé nhỏ - một nữ sinh học giỏi nhất cấp 3 trường huyện. Và sự việc chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của nhà trường.

Hiện T. tâm lý đã ổn định trở lại, em cũng đã đến trường cùng các bạn.

“Em sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, cuộc sống của gia đình phụ thuộc và 2 vụ lúa, nhà đông anh em, học hành vất vả nên em phải cố gắng học thật tốt, kiếm một cái nghề ổn định, thay đổi số phận và để đền đáp công ơn của bố mẹ dành cho em và em chỉ lấy chồng khi em thực hiện được ước mơ vào giảng đường Đại học du lịch, trở thành một hướng dẫn viên du lịch!” – H.T. rơm rớm nước mắt chia sẻ.

H.T là 1/50 học sinh giỏi nhất trường. Ảnh: Lê Phan

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết “H.T.H.T là học sinh giỏi toàn diện của trường trong nhiều năm liền. Học kỳ I vừa qua T. có điểm tổng kết là 8,4. Em là 1 trong tổng số 50 em học sinh có học lực giỏi của trường Quỳ Hợp 3. Không chỉ học giỏi, T còn rất ngoan ngoãn và lễ phép”.

Hủ tục vẫn dai dẳng tồn tại

Đầu năm 2017 cũng tại huyện ở Quỳ Hợp, một cô gái cũng bị một nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc.

Những sự việc như vậy không hề hiếm ở những huyện miền núi mỗi độ Tết đến. Tục “bắt vợ” bị biến tướng thành công cụ phục vụ những mục đích xấu.

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết thêm, những năm trước đây cứ dịp Tết Nguyên Đán lại có 3-4 học sinh của trường bỏ học bởi hủ tục “bắt vợ”. Năm học 2017-2018 nhà trường cùng các cấp ban ngành ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhờ vậy dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Trường THPT Quỳ Hợp 3 có 2 trường hợp là nạn nhân của tục “bắt vợ” nhưng đã được nhà trường giúp đỡ, vận động trở lại trường để tham gia học tập.

Những gì nữ sinh H.T.H.T vừa trải qua thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người, đồng thời cho thấy thực trạng kém hiểu biết, nhận thức hạn chế của một nhóm đối tượng trên khu vực miền núi. Những tưởng cuộc sống đổi thay sẽ khiến cho các hủ tục không còn “đất sống”. Vậy nhưng nó vẫn dai dẳng tồn tại, nhất là khi sự bỏ mặc, thờ ơ của người nhà các nạn nhân đã vô hình trung biến họ trở thành đồng phạm. Ngay với H.T.H.T. mặc dù đã đấu tranh thành công để 2 lần thoát khỏi hủ tục nhưng nguy cơ em tiếp tục trở thành nạn nhân là không nhỏ.

Tác giả: Lê Phan

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP