Bạn cần biết

Nối thành công cổ chân bị đứt gần lìa

Bệnh nhân D.Đ.T., 43 tuổi (ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị tai nạn lao động khi đang sử dụng máy cắt cỏ, gây đứt gần lìa cổ bàn chân phải. Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An và được phẫu thuật nối thành công cổ bàn chân.

“Hồi sinh” bàn chân bị đứt gần lìa

Chiều ngày 27/11/2023, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân T. trong tình trạng đứt gần lìa cổ chân phải khoảng 3 giờ sau tai nạn. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, bệnh nhân được nhanh chóng xử trí hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền máu, giảm đau, thực hiện xét nghiệm, và tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối cổ chân đứt lìa. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công bởi kíp vi phẫu do BSCKI. Nguyễn Duy Quyết làm phẫu thuật viên chính. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ và thành công tốt đẹp.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, phần chi đứt lìa tưới máu tốt. Bàn chân và các ngón chân hồng ấm, có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực. Trong thời gian tới, bệnh nhân còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.

Người nhà bệnh nhân xúc động chia sẻ: “Trong lúc dùng máy cắt cỏ, chồng tôi đã bị lưỡi cưa cứa vào cổ chân phải, phần cổ chân sát bàn chân gần như bị đứt lìa. Khi bị tai nạn, gia đình tôi rất hoảng loạn và nghĩ chân của chồng tôi không thể giữ lại được. Thật may mắn khi chồng tôi được các y bác sĩ kịp thời phẫu thuật và tận tình cứu chữa nên bàn chân đã được cứu sống. Tôi vô cùng biết ơn!”.

Hàng trăm bệnh nhân được nối chi thể thành công

Là bệnh viện chuyên khoa tuyến Tỉnh, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị đứt lìa chi thể do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật vi phẫu nối liền chi thể cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được chăm sóc cẩn thận sau ca phâu thuật

Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Với hệ thống phòng mổ quy chuẩn, trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đầy đủ cho những ca mổ vô khuẩn và đòi hỏi kỹ thuật cao, cùng đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm; việc nối lại các chi thể bị đứt rời tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An có tỷ lệ thành công rất cao.

Bệnh nhân phục hồi tốt sau ca phẫu thuật

Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An đã tiên phong thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối liền chi thể trên địa bàn tỉnh từ năm 2014. Từ đó đến nay, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho hàng trăm trường hợp bị đứt lìa chi thể, trả lại chức năng vận động cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo: “Khi gặp tai nạn gây đứt lìa chi thể, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ, đưa bệnh nhân và phần chi bị đứt đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu; sau đó nhanh chóng tiến hành vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện chuyên khoa để nối chi. Thời gian vàng để “cứu sống” phần chi thể bị đứt lìa cho bệnh nhân là trước 6 giờ đồng hồ, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.”

Tác giả: Đậu Huyền

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP