Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cho rằng Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì thành công sẽ được tiếp nối thành công và kéo theo đó là sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại Diễn đàn. Ảnh: Cafef |
Trong số các kiến nghị được bà Nguyễn Thị Phương Thảo đưa ra, có một vấn đề đáng chú ý.
Đó là CEO Vietjet mong doanh nghiệp tư nhân được Chính phủ nhìn nhận công bằng, hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân là đầu tàu cho chuỗi công nghiệp hỗ trợ, là niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp, mang thương hiệu quốc gia như thương hiệu của các nước khác như Samsung, Toyota, Alibaba…
Theo đó, bà Thảo bày tỏ mong muốn có được sự "tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân xấu xí, ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp, ý chí của DN tư nhân".
Lấy dẫn chứng vụ máy bay Vietjet hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giãi bày: Vietjet là công ty có chứng chỉ an toàn khai thác quốc tế, chúng tôi cũng có Chỉ số an toàn chất lượng thuộc nhóm các DN hàng không dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhưng chúng ta ứng xử với cùng một sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh của hai hãng hàng không lại khác nhau. Cách nhau khoảng 4-5 tháng gì đó nhưng chúng ta thấy giữa DN tư nhân và DN nhà nước nhận được những phản ứng khác nhau.
“Tất nhiên ở đây có thể là sự kỳ vọng, là mong muốn, hoặc là sự quan tâm DN tư nhân, nhưng chúng tôi mong muốn có một cái nhìn tin tưởng hơn và công bằng hơn giữa doanh nghiệp tư nhân và các DN khác”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ.
Trong một kiến nghị khác, CEO Vietjet cho rằng nếu đã khẳng định những gì khu vực tư nhân làm tốt, tạo điều kiện để khu vực tư nhân làm thì Chính phủ cần phải có biện pháp, chính sách khai thác tốt để khu vực tư nhân phát huy bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay… tận dụng tốt cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất trên toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bộc bạch: Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay.
"Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", bà Thảo chia sẻ.
Một khuyến nghị khác được bà Nguyễn Thị Phương Thảo đưa ra, đó là trong thế giới hội nhập mở cửa cũng cần có quy định mở cửa cho cán bộ, chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Chúng ta có những người bạn nước ngoài hoạt động không mệt mỏi cho Việt Nam như cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở đây. Chúng ta cần thu hút chất xám, nhân lực toàn cầu. Và chúng ta cũng mong muốn rằng ngài John Kerry có thể đến Việt Nam sinh sống, làm việc chứ không phải chỉ đến theo một visa công tác.Hiện các quy định về việc cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam “đã cũ rồi”, “không còn phù hợp” với xu thế hiện đại.
Lãnh đạo Vietjet bày tỏ mong muốn có thể tháo gỡ về luật pháp, cơ chế để chúng ta hội nhập mạnh mẽ hơn đối với các lao động quốc tế.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet