Xe

Nở rộ dịch vụ cho thuê phụ tùng "zin" để ô tô được đăng kiểm

Trong bối cảnh đăng kiểm ô tô được siết chặt, nhiều chủ xe phải tìm đến các gara để tháo những món đồ "độ" thêm, thậm chí là thuê phụ tùng nguyên bản lắp lên xe để được các cơ sở kiểm định chấp nhận.

Sau khi bị từ chối kiểm định vì lắp đặt những món đồ chơi trên ô tô, nhiều chủ xe tìm đến các gara để "về zin". Thậm chí, không ít ô tô chưa đến hạn đăng kiểm nhưng chủ phương tiện cũng "lũ lượt" trả xe về nguyên trạng trong bối cảnh nhiều trung tâm kiểm định quá tải, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Một số chủ xe đã đưa phương tiện của mình về nguyên bản để được đăng kiểm (Ảnh: Đức Anh).

"Gần đây, cơ sở của tôi đón nhiều khách có nhu cầu tháo lắp đồ 'độ' để về nguyên bản. Với những xe từng lắp thêm phụ kiện bên tôi thì mình cũng chỉ hỗ trợ thôi chứ không lấy công. Nếu có sẵn đồ 'zin' tôi cũng cho mượn, đăng kiểm xong họ anh em sẽ quay lại trả", chủ một gara ở Hà Nội chia sẻ.

Còn với những cơ sở ô tô khác, dịch vụ trả xe về nguyên bản đang "hái ra tiền". Thực tế, thời gian tháo phụ tùng "độ" để trả lại các linh kiện nguyên bản không hề ngắn. Ví dụ, một chiếc xe nâng cấp đèn chiếu sáng trước cần tháo nguyên mặt ca-lăng ra mới có thể thay thế, ước tính khoảng 2 tiếng.

Do đó, nhiều gara tính phí từ 500.000 - 1.000.000 đồng cho công việc này, tùy mức độ phức tạp khi tháo lắp. Trong trường hợp không còn giữ đồ "zin", nhiều chủ phương tiện còn phải đi thuê để có thể được đăng kiểm, bởi nếu xe lắp đồ "độ" sẽ bị từ chối ngay từ "lúc xếp hàng".

Một trường hợp chia sẻ trên mạng xã hội lý do xe bị từ chối đăng kiểm là do đã thay mặt ca-lăng, độ đèn chiếu sáng và lắp thêm đèn bi gầm (Ảnh: OFFB).

Tham khảo qua một gara tại TPHCM, mức giá thuê đèn nguyên bản của một số dòng xe là khoảng 500.000 đồng/ngày, bộ la-zăng có giá 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên đèn chiếu sáng trước là chi tiết được người dùng "độ" nhiều nhất nên ở hiện tại, nhiều cơ sở cũng không còn đồ "zin" cho thuê.

Đa phần các xe bị từ chối đăng kiểm do nâng cấp đèn chiếu sáng trước, thay thế mặt ca-lăng, cản trước/sau hoặc lắp thêm bệ bước hay bodykit. Ở góc độ người dùng, những chi tiết này có tác dụng làm đẹp nhưng lại sai với chứng nhận kiểu loại mà nhà sản xuất đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Nhiều tài xế tại TPHCM phải vật vờ, xếp hàng từ sớm để chờ làm đăng kiểm những ngày gần đây (Ảnh: Hải Long).

Việc siết chặt kiểm định ô tô diễn ra trong bối cảnh Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện một số cơ sở trong khu vực phía Nam có những sai phạm trong quá trình kiểm định xe cơ giới. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều điểm đăng kiểm trong những ngày gần đây.

Để tháo gỡ vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc để yêu cầu các đơn vị này cấp giấy chứng nhận cho ô tô bị khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng.

Cụ thể, các hạng mục được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (Minor Defects-MiD) là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông (Ví dụ: màu sơn không đúng theo Giấy đăng ký xe; cửa, khóa cửa và tay nắm cửa đóng, mở không nhẹ nhàng; bậc lên xuống mọt gỉ, thủng…). Những xe như vậy vẫn được thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường.

Cục cũng yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cung cấp dịch vụ kiểm định và có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp.

Tác giả: Gia An

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP