Các môn học tự chọn là những môn học sinh được phép lựa chọn từ 3 nhóm môn học: Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học; Âm nhạc và Mĩ thuật). Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong nhóm môn khoa học xã hội đang làm “nóng” dư luận với những tranh luận trái chiều.
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. |
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn là không phù hợp. Giáo viên này cho rằng, xưa nay học sinh vốn ngại học Lịch sử, đến nay Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đưa môn học này thành môn học tự chọn không khác nào “khai tử” môn Lịch sử.
Môn học này đã chứng kiến sự thảm bại về mặt điểm số qua các kỳ thi gần đây. Động lực nào để một học sinh chọn môn Lịch sử, khi học là để thi? Điều gì sẽ xảy ra khi giới trẻ không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết cũng lơ mơ, ngây ngô, trong khi các thông tin xuyên tạc lịch sử thì tràn lan trên mạng xã hội.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn khi Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT. GS Phạm Tất Dong cho rằng, Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước, lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới.
Học lịch sử không chỉ để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của một dân tộc mà còn để hiểu về các dân tộc, đất nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn và với cách dạy học như hiện nay, thì chỉ sau vài thế hệ, chúng ta sẽ thấy rõ hậu quả.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, theo quan điểm chung của thế giới, định nghĩa mới về “phổ thông” bằng cách rút ngắn giai đoạn “cơ bản” và tạo thêm một giai đoạn “hướng nghiệp”. Do đó, giai đoạn cơ bản tính từ lớp 1 đến lớp 9, giai đoạn từ lớp 10 đến lớp 12 chuyển sang hướng nghiệp. Với cách tiếp cận này, không hề có chuyện môn Lịch sử bị loại bỏ mà nó được cơ cấu lại hợp lý hơn.
Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, học xong cấp THCS học sinh đã hoàn thành các nội dung kiến thức cốt lõi cần thiết. Ở cấp THPT, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Và không phải chỉ có Lịch sử, các môn học còn lại như Địa lý, Vật Lí, Hoá học, Sinh học… cũng đều là môn tự chọn nhằm đảm bảo các mục tiêu phân hoá và giảm tải.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai (Hà Nội) nêu quan điểm: “Nhiều người lo lắng học sinh không học môn Lịch sử, lòng yêu nước sẽ ảnh hưởng. Đừng vội đánh giá thế, yêu nước hay không, không phải chỉ ở môn Lịch sử. Người lớn hãy cứ để học sinh một lần thể hiện quan điểm, một lần được lựa chọn xem có như người lớn nghĩ hay không?”.
Một cuộc khảo sát nhỏ về cách thức lựa chọn 5 môn tự chọn cho học sinh lớp 9 khi lên lớp 10 do Trường THCS và THPT Lômônôxốp (Hà Nội) tiến hành cho thấy, trong tổng số 429 học sinh toàn khối, có 204 học sinh lựa chọn môn Lịch sử, cao hơn môn Địa lý, Sinh học, Hoá học và Công nghệ.
Mặc dù số lượng học sinh tham gia khảo sát không lớn song từ kết quả ban đầu này, lãnh đạo Trường THPT Lômônôxốp cho rằng, không nên quá lo lắng về việc học sinh sẽ không lựa chọn Lịch sử khi đưa môn học này vào nhóm các môn tự chọn. Thực tế cho thấy, Lịch sử là môn dễ tự học nhất nếu học sinh có văn hóa đọc tốt và giáo viên có phương pháp dạy phù hợp.
Giải trình về việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn trong nhóm khoa học xã hội từ năm học 2022-2023 ở bậc THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Với cách bố trí như hiện nay, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trògiáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông. Cụ thể, ở chương trình phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn Lịch sử.
Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện. Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp khoa học xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật).
Nếu học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội thì đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên hay công nghệ và nghệ thuật thì vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp khoa học xã hội thì cũng có môn Lịch sử. Bên cạnh đó, trong Chương trình GDPT mới còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân