Giáo dục

Lịch sử chỉ là môn tự chọn: "Có thể nhiều năm sau sẽ thấy hậu quả"

"Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn và với cách dạy học như hiện nay thì chỉ sau vài thế hệ, chúng ta sẽ thấy những vấn đề lớn mà quan trọng nhất là quan hệ công dân với chính đất nước mình. Hậu quả của việc này là không thể lường được".

Những ngày gần đây, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại khi từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trong chương trình GDPT mới sẽ trở thành môn học tự chọn. Các môn học bắt buộc bao gồm, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Giáo dục thể chất.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho rằng, giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục Lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự đam mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển năng lực cơ bản của học sinh.

Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử, Địa lý, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9 giúp học sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của Lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho đến nay. Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử cũng được thực hiện ở các môn học khác như Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho rằng, như vậy, khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển năng lực, phẩm chất cốt lõi. Đến bậc THPT, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu mang tính định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp trong tương lai.

Lịch sử là môn học quan trọng

Tuy nhiên, nhiều giáo viên, chuyên gia vẫn băn khoăn rằng, học sinh vốn ngại học Lịch sử, nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn đứng ở vị trí “đội sổ”, năm 2021, cả nước có 637,005 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331,429, chiếm tỷ lệ 52.03%. Những con số này đã phần nào phác họa được thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Nếu tiếp tục đưa Lịch sử thành môn tự chọn, điều khiến dư luận lo ngại là có thể càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi chương trình giáo dục của bản thân.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: “Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn tôi thực sự cảm thấy khó hiểu. Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước, lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới.

Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi. Nếu không cẩn thận, việc này có thể trở thành một sai lầm mà nhiều năm sau mới thấy hậu quả”, GS Phạm Tất Dong nói.

Dẫn lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”, GS Phạm Tất Dong cho rằng, trong xã hội toàn cầu ngày nay, dân ta không chỉ cần biết sử ta mà cần biết cả về lịch sử thế giới. Bản thân người học tốt Lịch sử đã mang một bản lĩnh chính trị, nói vậy không có nghĩa là chỉ gồm hiểu biết về những đường lối chính trị khô khan, mà là hiểu về sự phát triển của dân tộc, từ đó có cách nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa các quốc gia.

“Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn và với cách dạy học như hiện nay, thì chỉ sau vài thế hệ, chúng ta sẽ thấy những vấn đề lớn mà quan trọng nhất là quan hệ công dân với chính đất nước mình. Hậu quả của việc này là không thể lường được. Nếu nói rằng, lòng yêu nước không chỉ học qua môn Lịch sử, mà còn được bồi đắp qua các bài học giáo dục công dân, quân sự, quốc phòng, nhưng hiểu biết về truyền thống dân tộc về quá trình phát triển của dân tộc thì chỉ có ở môn Lịch sử. Khi học sinh học môn Giáo dục quốc phòng, các em biết cầm súng, cầm lựu đạn, nhưng nếu không có ý thức về dân tộc, hiểu biết về lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, thì quả lựu đạn đó ném vào ai là điều không dám chắc”, GS Phạm Tất Dong nói.

Lịch sử cần dạy thế nào để không nhạt nhòa

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng, nếu để thay đổi Chương trình GDPT 2018 khi đã ban hành là rất khó. Môn Lịch sử có thể không nằm trong danh sách những môn học sinh bắt buộc phải học, nhưng cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao để học sinh dù không đi, xét tuyển đại học bằng môn này vẫn học Lịch sử, không có chuyện không thi sẽ không học.

“Vấn đề đặt ra là cần dạy môn Lịch sử cho học sinh phổ thông thế nào để không nhạt nhòa như hiện nay. Không phải cái gì học cũng phải thi và không phải cứ thi mới cần học. Trong chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi.

Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi… Tôi cho rằng, không nhất thiết cái gì thi mới học, mà cần hướng đến thay đổi cách tổ chức hoạt động giáo dục để hướng tới phát triển toàn diện năng lực, nhân cách của học sinh, trong đó phải có các hoạt động giáo dục lịch sử”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

“Không nhất thiết phải đưa môn Sử thành môn bắt buộc, nhưng phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá để học sinh có thể học, không phải không thi thì không đánh giá, nhưng cũng cần thay đổi cách đánh giá không chỉ dựa vào điểm số”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP