Trong tỉnh

Nhiều bất cập trong quá trình dự báo lũ ở Nghệ An

Đợt ngập lũ cuối tháng 8 vừa qua khiến nhiều huyện ở Nghệ An bị ngập sâu. Qua đây cũng cho thấy có nhiều bất cập trong dự báo lũ ở thượng nguồn sông Cả.

Xả lũ tại hồ chứa thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Phú Hương

Đợt lũ kéo dài trong tháng 8/2018 vừa qua đã gây nên thiệt hại nặng nề cho miền Tây Nghệ An ước thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Hệ lụy là mất nhiều diện tích đất nông nghiệp, người dân vùng lưu vực sông Cả thấp thỏm lo lắng.

Theo Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh thì hiện lưu vực sông Cả có khoảng 30% diện tích nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào, nhưng việc theo dõi khí hậu, thời tiết trên đất bạn chưa nắm bắt được. Đây là một bất cập khiến cho việc theo dõi lũ ở Lào về thượng nguồn sông Cả chưa chủ động. Khi lũ về đến Việt Nam thì đã muộn.

Thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) ngập chìm trong đợt lũ tháng 8. Ảnh: Duy Khánh

Điều này lý giải vì sao huyện Kỳ Sơn luôn phải chạy theo lũ và lũ dồn dập "trở tay" không kịp. Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện ở Tương Dương, Con Cuông cũng vậy, phụ thuộc vào dự báo thời tiết, mực nước nhưng do chưa thể theo dõi chính xác được lượng nước lũ từ Lào về nên khá bị động dù đã có quy trình.

Những năm gần đây, thiên tai xảy ra phức tạp và khó lường, không theo quy luật thông thường. Riêng năm 2018, ở Nghệ An đã có 5 đợt không khí lạnh, 4 đợt nắng nóng và 11 đợt tố lốc, chủ yếu tập trung trong tháng 4, tháng 5. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp bão số 3, số 4 và mưa lũ lớn trong tháng 7, tháng 8 vừa qua.

Trong khi chưa dự báo tốt về lũ ở miền Tây thì hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn. Diện tích ngập lụt của Thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố vừa qua đã vượt xa những diện tích đơn vị này đền bù khiến người dân nhất là ở Tương Dương trở tay không kịp.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, UBND tỉnh đã lập đoàn kiểm tra, làm việc với UBND huyện Tương Dương, Con Cuông và các nhà máy thủy điện Bản vẽ, Khe Bố, Chi Khê. Đoàn do đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng đoàn; đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, làm Phó đoàn, tham gia còn có Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở Công Thương, Đài Khí Tượng TV khu vực Bắc Trung bộ...

Kết quả kiểm tra cho thấy: Việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của đơn vị quản lý vận hành hồ Khe Bố còn thiếu; Công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát mực nước thượng lưu, hạ lưu và các cửa xả tràn theo quy định của quy trình nhưng thường xuyên bị trục trặc, không theo dõi được.

Một bất cập nữa lâu nay đã đề cập đó là Nghệ An chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện theo quy định.

Huyện miền núi Con Cuông ngập băng trong đợt lũ cuối tháng 8. Ảnh: Lâm Tùng.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Cần khảo sát và cắm lại mốc ngập đối với hạ lưu, có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng sau đợt xả lũ vừa qua. Xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan để thực hiện công tác bồi thường cho các hộ dân bị ngập trên mức nước đã quy định.

Để tránh ngập lụt, UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các sở ngành cấp tỉnh hạ mực nước dâng bình thường của thủy điện Khe Bố dưới cốt 65m; đối với thủy điện bản Vẽ kiến đề nghị điều chỉnh lại quy định không giữ mực nước dâng bình thường (200m) tại thời điểm 1/9 hàng năm, vì ở Nghệ An, tháng 9 là tháng trọng điểm mưa lũ.

Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, công tác cảnh báo cho nhân dân hạ du trong quá trình vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện để các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phương án ứng phó.

Các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo vận hành, giám sát chặt chẽ việc xả lũ các hồ chứa thủy điện đảm bảo lợi ích phát điện, an toàn hồ đập và tính mạng và tài sản, cơ sở hạ tầng của nhân dân và nhà nước. Tỉnh sẽ rà rà soát, đánh giá các khu dân cư bị ngập lụt phía hạ du lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để lập quy hoạch xây dựng hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết hiện đã đề nghị Chính Phủ hỗ trợ xây dựng một rađa theo dõi thời tiết đặt ở huyện biên giới Kỳ Sơn để theo dõi lũ về trên sông Cả.

Tác giả: Trân Châu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP