Anh Giới cùng hai người bạn đào được củ sâm Ngọc Linh tự nhiên. Ảnh: H.T. |
Hai ngày trước, anh Hồ Văn Giới cùng hai người trong xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đi bộ bốn giờ để vào rừng đặt bẫy thú. Đi qua cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Ngọc Linh, các anh phát hiện cây sâm.
"Nó mọc trên gốc cây dương xỉ, rễ đeo bám khắp củ sâm nên mất hơn ba giờ mới đào xong”, anh Giới cho biết. Phần củ sâm dài hơn chiếc đũa, thân cây có sáu nhánh, cao hơn 50 cm. Rửa sạch đất đưa lên cân, cả củ và thân cây nặng 8 lạng. Nhóm anh Giới mang sâm về bán lại cho một thương lái.
Ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My đánh giá, đây là củ sâm quý hiếm, tuổi đời lớn. Hiện trong tự nhiên, sâm như loại này rất hiếm.
"Củ sâm này giá bán từ 400 đến 500 triệu đồng", ông Quý nói và thông tin cách đây gần hai năm một người dân xã Trà Linh đào được một củ sâm gần một kg, tuổi đời trên 100 năm.
Thân và củ nặng tám lạng. Ảnh: H.T. |
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 6/2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.
Tác giả: Đắc Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress