Kinh tế

Người Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của luật để sở hữu đất Đà Nẵng

Bằng việc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp, dự án... nhiều người nước ngoài, nhất là Trung Quốc, đã có thể trở thành nhà đầu tư, sử dụng đất tại Việt Nam.

Ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Đào Quang Thu đã chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác trung ương với UBND thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu những hạn chế, vướng mắc trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật khác nhằm tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi.

Ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư Đà Nẵng cho biết thành phố đang có thực trạng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của luật pháp Việt Nam để ở lại địa phương. Cụ thể có những dự án rất nhỏ, tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc vẫn xin thời hạn rất dài, lên đến 50 năm.

"Nhiều nhà đầu tư đến Đà Nẵng không phải để kinh doanh, mà là muốn có được giấy chứng nhận đầu tư để làm việc khác", ông Sơn cảnh báo. "Họ đi lại tự do, không phải thị thực, không phải nhập cảnh mà theo giấy chứng nhận đầu tư", ông này nói thêm.

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.X.


Ông Sơn cũng cho biết, nhiều người Trung Quốc có nhu cầu ở tại Việt Nam thường chuyển sang đăng ký đầu tư dự án bằng việc góp vốn, mua cổ phần với số vốn rất thấp (Luật Đầu tư không hạn chế), trong khi cơ quan đăng ký đầu tư không thể từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các trường hợp này. Khi trở thành nhà đầu tư, những người nước ngoài được cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư Đà Nẵng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý. Thêm vào đó, cần bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính... để xem xét và quyết định đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với việc mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, phía Đà Nẵng kiến nghị trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Không chỉ lách luật để được sở hữu đất ở Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn tìm cách trốn thuế. Nêu ví dụ ở Điều 46 Nghị định 118 quy định các tổ chức khi mua cổ phần, góp vốn thì không cần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, ông Sơn cho biết trong giấy chứng nhận đầu tư không ghi tên cổ đông, điều này tạo ra lỗ hổng lớn về thu thuế khi chuyển nhượng.

"Đà Nẵng có trường hợp khách sạn Hyatt cả nghìn tỷ đồng. Một công ty mẹ lập công ty con xây dựng khách sạn này. Sau đó công ty mẹ chuyển nhượng cho một công ty mẹ khác ở nước ngoài mà công ty con vẫn giữ nguyên pháp nhân. Vì thế mà thành phố không thu được đồng thuế nào", ông Sơn nói và cho rằng luật cần quy định việc ghi tên cổ đông trong giấy chứng nhận đầu tư.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP