Thầy Khoa động viên học sinh toàn trường đừng bỏ lớp |
Từ phố núi Pleiku đi về hướng Đông Nam 100 km, chúng tôi đến huyện Ia Pa. Thêm 17km nữa mới tới xã Ia Tul. Một người đàn ông mảnh khảnh, gầy gò cầm lái chiếc xe máy cũ chờ sẵn ở ngã ba Cây Xoài trung tâm thị trấn, chạy trước dẫn đường cho chúng tôi tới đúng địa chỉ.
Đó là thầy Trần Đăng Khoa, người đã viết thư gửi báo xin gạo, để học sinh lớp 1 được ăn trưa tại trường. Trường tiểu học Kim Đồng nơi thầy Khoa làm hiệu trưởng gồm vài khu nhà cũ và một khối lớp mới xây khá khang trang, sân trường rợp bóng mát nhiều cây Kơ nia cổ thụ. Châm trà mời khách, thầy nhỏ nhẹ kể thầy được điều chuyển về trường này từ cuối năm 2016. Trường hiện có 377 học sinh, 100% là người đồng bào dân tộc Jrai sống rải rác ở 7 bon (làng), trong đó 102 học sinh lớp 1.
Xin góp cả của lẫn công
46 tuổi, 27 năm dạy học tại vùng sâu Ia Pa, thầy Khoa thấy rõ hiện trạng ở những nơi 100% đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động các cháu ngày hai buổi tới lớp học để biết đọc, biết nói tiếng Việt là điều vô cùng khó khăn, nhất là đối với học sinh lớp 1. Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ cho con đến trường một buổi, rồi trưa đến đón con lên rẫy. Ở xã này, ngoài giờ học ở trường, các cháu toàn giao tiếp bằng tiếng Jrai. Đã có trường hợp học hết tiểu học vẫn chưa viết đúng, nói sõi, thầy cô bị phê bình về việc để học trò “ngồi nhầm lớp”.
Muốn giữ học sinh ở lại trường để học hai buổi/ngày, chỉ có cách phải tổ chức cho các cháu được ăn và nghỉ trưa tại trường. Ia Tul tuy là xã vùng sâu miền núi nhưng không thuộc diện đặc biệt khó khăn nên học sinh ở đây không được hưởng chế độ bán trú. Không có kinh phí tổ chức nấu ăn tập trung cho các cháu, thầy Khoa về bàn với vợ. Cô Trần Thị Vân Oanh, (43 tuổi) giáo viên trường tiểu học, đã đồng ý để thầy Khoa hiến cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng của gia đình, tạo dựng bếp ăn cho học sinh lớp 1.
Thầy Khoa báo cáo lên Phòng Giáo dục. Ông Phạm Văn Đức Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Pa nồng nhiệt hoan nghênh.
Tranh thủ lúc cuối hè, thầy Khoa xin phép các bên liên quan cho khai thác 9 cây xà cừ trong sân trường, nhờ một ông bạn có xưởng mộc giúp miễn phí, điều thợ đến cưa xẻ, đóng thành hàng chục bộ vạt giường chất vào các phòng học cũ đang dôi dư sau khi có khối nhà mới, đủ để cả trăm trò nhỏ cùng thầy cô có chỗ nghỉ trưa. Cô Oanh giúp chồng đặt mua dụng cụ nấu ăn, mua khay nhựa từ TPHCM chuyển lên. Thầy Khoa mua sơn tự phết lại phòng thư viện cũ để cải tạo thành nhà bếp, chuyển thư viện lên phòng hiệu trưởng, đặt xưởng cơ khí làm xe đẩy cơm, mua cả tấn lúa chất trong sân nhà trữ sẵn, để bếp cần tới đâu sẽ cho xay xát tới đó.
Tuy nhiên, tính chi li mọi khoản thì thấy 100 triệu đồng vợ thầy đã hiến vẫn chưa đủ để triển khai bếp ăn bán trú trọn năm học đầu tiên cho học sinh lớp 1 toàn trường. Nghĩ mãi, thầy đành “liều” viết thư trình bày mọi lẽ, mong báo Tiền Phong ủng hộ mỗi tháng từ 50-100kg gạo, hoặc tùy lòng hảo tâm để cùng thầy giúp đỡ các cháu.
Chỉ mong để lại tình thương
Thầy Khoa mắc căn bệnh hiếm “xơ cứng bì” đã 12 năm. Bàn tay thầy cứng, đốt ngón khô cong. Hai vợ chồng nhà giáo nuôi 2 con ăn học, của nả chẳng có gì nhưng đã nhiều lần vợ thầy phải vét hết khoản tiền chắt chiu dành dụm để đưa chồng đi chữa bệnh. Qua hết các bệnh viện trong nước, sang tận Singapore, bác sĩ vẫn lắc đầu không thể chữa dứt, chỉ khuyên về uống thuốc đều đặn, bồi dưỡng thể trạng để chặn đà tiến triển của bệnh.
Cơ ngơi của vợ chồng thầy Khoa chỉ là một căn nhà cấp bốn đơn sơ. Cô Oanh kể: Anh ấy nói mình có hai đứa con, thằng đầu nay đã có lương nhân viên chuyển phát bưu điện, thằng sau có lương công an nghĩa vụ ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng lương hơn hai chục triệu, phụng dưỡng bố già vẫn đủ tiêu. Anh bệnh thế này chẳng biết “đi” lúc nào, nên ngày nào còn khỏe thì phải làm gì thật xứng đáng với trọng trách được giao, để đời mình dù ngắn hay dài cũng để lại được thật nhiều tình thương.
“Hiểu chồng, lại còn là đồng nghiệp, em ủng hộ hết mình mọi kế hoạch chăm lo cho học sinh của anh ấy. Toàn bộ giàn béc tưới khắp vườn hoa trong sân trường tiểu học Kim Đồng là tiền túi anh ấy bỏ ra. Cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng là khoản tiền lớn nhất từ trước tới giờ nhà em có được, chúng em cũng cho đi không hề tiếc. Là nhà giáo, chúng em chỉ mong tất cả học sinh nghèo của mình được nuôi dưỡng chu đáo để tập trung học cho tốt”- Cô Oanh nói.
PV phỏng vấn nhanh các giáo viên, về việc thầy cô có ngại quá mệt nhọc khi nhà trường triển khai thêm bữa cơm bán trú này, vì sẽ phải chia ca ở lại trường chăm sóc cả trăm học sinh lớp 1 buổi trưa? Từ thầy hiệu phó người dân tộc Jrai sắp về hưu Nay Heal cho đến cả chục thầy cô giáo khác đều nói rất sẵn lòng góp công cho nghĩa cử của thầy hiệu trưởng.
Từ Trường Tiểu học Kim Ðồng, đại diện báo liên hệ với nhà báo Trần Ðăng Tuấn - chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao, và nhà báo Nguyễn Anh Tú - giám đốc Quỹ. Nhà báo Trần Ðăng Tuấn đồng ý kết nối, để Quỹ Trò nghèo vùng cao đồng hành với báo triển khai chương trình “Cơm Có Thịt” trên khu vực Tây Nguyên, mà điểm mở đầu là trường tiểu học Kim Ðồng, với bữa ăn đầu tiên vào ngày 1/10/2018. Sự hỗ trợ mỗi điểm trường có thể kéo dài trong nhiều năm, tùy nhu cầu và hiệu quả tổ chức. Nhà báo Nguyễn Anh Tú cho biết sau 4 năm thành lập với sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Quỹ đã quyên góp được hơn 80 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ trong, ngoài nước. Hiện Quỹ đang triển khai chương trình “Cơm Có Thịt” cho 105 trường, chủ yếu ở vùng cao Tây Bắc, với số tiền hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng mỗi tháng. |
Thầy Khoa bên những bao lúa trữ sẵn trong sân nhà |
Tác giả: HOÀNG THIÊN NGA
Nguồn tin: Báo Tiền Phong