Trong tỉnh

Người dân Kỳ Sơn (Nghệ An) mong mỏi có mái ấm an toàn

Hai năm qua kể từ trận lũ lịch sử vào tháng 10/2022, người dân xã miền núi Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất mát.

Hàng trăm người dân bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ vẫn chưa được đến nơi ở mới.

Nhiều gia đình vẫn đang sống cảnh “màn trời chiếu đất” do vướng mắc các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khu tái định cư cho người dân huyện Kỳ Sơn chưa thể triển khai dứt điểm.

Chậm trễ ở dự án cấp bách

Hai năm trước cơn lũ dữ đã cướp đi nhà cửa, tài sản, đẩy nhiều hộ gia đình ở xã Tà Cạ vào cảnh “màn trời chiếu đất”, nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa bão về.

Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ với 54 căn nhà bị sập hoàn toàn. Sau lũ, người dân phải dựng lều lán tạm bợ hoặc đi ở nhờ nhà người thân, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Chỉ tay về phía dòng suối Huồi Giảng, anh Lô Thanh Tâm (trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) vẫn nhớ như in ngày lũ tràn về bản. Ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản của anh đều bị cuốn theo dòng nước, may mắn các thành viên trong gia đình vẫn an toàn. Sau lũ, anh Tâm được chính quyền, người dân cả nước quan tâm, hỗ trợ dựng lại căn nhà tạm, chờ ngày di dời.

Khi chính quyền thông báo có chủ trương di dời, gia đình anh Tâm rất vui. Bởi ở đây, cuộc sống khi nào cũng trong tình trạng thấp thỏm, nhất là những ngày mưa lớn. Thế nhưng, hơn 2 năm trôi qua rồi, người dân cứ mòn mỏi chờ đợi mà các khu tái định cư (TĐC) vẫn chưa hoàn thành.

“Bây giờ, chỉ mong muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để người dân được di dời, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất”, anh Tâm giãi bày mong mỏi.

Dù không chịu ảnh hưởng của lũ quét, nhưng nhà ông Lô May Thanh (trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) lại nằm ở khu vực bị sạt lở. Những vết nứt ngày càng rộng khiến một số ngôi nhà trong bản bị sụt lún, nứt vỡ, nhiều hộ dân buộc phải di dời. Do chưa có mặt bằng nên gia đình ông Thanh chỉ còn cách làm nhà tạm ngay cạnh nhà cũ để chờ ngày được di dời tới nơi ở mới.

Ông Thanh cho biết, ở trong nhà tạm nên điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, mùa Hè thì nóng bức còn mùa mưa thì nơm nớp lo sợ sụt lún. Những hôm trời mưa to, buổi tối gia đình phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm chứ không dám ở nhà.

Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết, trong khi chờ xây dựng các khu TĐC, hàng tháng chính quyền xã đều có các đoàn kiểm tra tình hình sạt lở ở địa phương để thăm hỏi, động viên người dân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong những ngày mưa gió, địa phương phải cử lực lượng tích cực hỗ trợ di dời tạm thời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở. Đối với những gia đình có nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lực lượng chức năng kiên quyết không cho người dân ở lại trong nhà.

“Phải sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo, nhất là vào mùa mưa bão nên mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là Nhà nước sớm hoàn thành việc xây dựng khu TĐC, để những hộ trong vùng ảnh hưởng lũ quét được chuyển đến nơi ở mới”, ông Mằn bày tỏ.

Khu TĐC tại bản Hòa Sơn đang xây dựng sắp hoàn thành.

Để người dân an cư lạc nghiệp

Để hỗ trợ người dân vùng lũ quét sớm an cư và ổn định cuộc sống, UBND huyện Kỳ Sơn nhanh chóng khảo sát và tìm được 2 vị trí để xây dựng khu TĐC tại bản Cầu Tám với diện tích hơn 8,6ha và một điểm tại bản Hòa Sơn với diện tích 4ha.

Điểm TĐC ở bản Hòa Sơn xây dựng nơi ở cho 54 hộ dân, mỗi lô đất có diện tích từ 210m2 đến 230m2. Công trình được khởi công từ ngày 15/11/2023 với tổng mức đầu tư hơn 31,5 tỷ đồng. Đến nay, dự án đạt tiến độ hơn 95%, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trước 31/12/2024.

Trong khi đó, khu TĐC ở bản Cầu Tám có quy mô hơn 150 hộ dân, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi có mật độ dân số khá thấp, tuy nhiên do địa hình đồi núi có độ dốc lớn nên chỉ khoảng 1% diện tích có thể làm nhà ở được, vì vậy tìm kiếm mặt bằng cho công tác TĐC gặp rất nhiều khó khăn.

Không thể chờ đến ngày di dời, một số hộ dân đã xây dựng nhà trên nền nhà cũ. Ảnh: Phạm Tâm

Đây cũng là một trong những lý do khiến một số vùng dù có nguy cơ cao về sạt lở đất nhưng thiếu mặt bằng, kinh phí nên chưa thể di dời người dân đến nơi an toàn. Điển hình như khu vực bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn.

Bên cạnh khó khăn về tìm kiếm mặt bằng thì trong quá trình triển khai dự án, địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thủ tục pháp lý phải thông qua nhiều sở, ban ngành khi tiến hành chuyển đổi đất rừng.

Tín hiệu đáng mừng, cuối tháng 10 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 75/NQ-HĐND về chủ trương chuyển đổi 38,5 ha rừng tự nhiên để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hơn 4ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.

Theo ông Rê, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 75 là rất kịp thời, góp phần gỡ “nút thắt” để thực hiện dự án xây dựng khu TĐC cho người dân vùng lũ quét. Sau khi có các văn bản hướng dẫn, huyện Kỳ Sơn sẽ triển khai thi công dự án và đưa vào sử dụng để người dân sớm an cư lạc nghiệp.

Việc sớm hoàn thành khu TĐC là mong mỏi chung của người dân vùng “tâm lũ” xã Tà Cạ. Tin tưởng rằng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, người dân nơi đây sẽ sớm có một mái ấm an toàn, ổn định cuộc sống và xây dựng tương lai tươi sáng hơn.

Trận lũ quét tháng 10/2022 khiến bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) có gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, riêng xã Tà Cạ có 54 căn nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn. Thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP