Theo Bloomberg, ông Kim Pyong-il (65 tuổi) là con trai của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và là chú của Chủ tịch Triều Tiên đương nhiệm Kim Jong-un. Mẹ của ông Kim Pyong-il là bà Kim Song-ae, người vợ thứ hai của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự buổi hòa nhạc mừng Năm mới tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 1/2020. (Ảnh: KCNA) |
Khác với người anh trai cùng cha khác mẹ là cố lãnh đạo Kim Jong-il, người nắm quyền điều hành Triều Tiên từ năm 1994 – 2011, ông Kim Pyong-il lại chủ yếu sinh sống ở nước ngoài.
Cụ thể, ông Kim Pyong-il đã dành khoảng 40 năm đảm nhận các vị trí nhà ngoại giao Triều Tiên tại các nước như Hungary, Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan và Cộng hòa Séc trước khi trở về thủ đô Bình Nhưỡng vào cuối năm 2019.
Điều đáng nói, ông Kim Pyong-il dường như hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên. Nhưng theo một số nhà quan sát, trong trường hợp ông Kim Jong-un không thể tiếp tục điều hành đất nước, ông Kim Pyong-il có thể trở thành người kế nhiệm do ông mang dòng máu gia tộc họ Kim và là nam giới.
Theo ông Thae Yong-ho, người từng giữ vị trí phó đại sứ Triều Tiên tại Anh nhưng đã bỏ trốn sang Hàn Quốc vào năm 2016, truyền thống điều hành đất nước do nam giới đảm nhận ở Triều Tiên sẽ ngăn cản việc ông Kim Jong-un trao lại quyền lực lãnh đạo cho người em gái là bà Kim Yo-jong. Ngoài lý do bà Kim Yo-jong là nữ giới thì tuổi tác còn trẻ của bà, người được cho hiện 32 tuổi, cũng là yếu tố ngăn cản bà nắm quyền điều hành đất nước.
Trong những năm gần đây, bà Kim Yo-jong trở thành trợ lý đắc lực cho Chủ tịch Kim Jong-un. Theo đó, danh tiếng của bà Kim Yo-jong được toàn thế giới biết tới khi bà xuất hiện tại Thế vận hội mùa Đông 2018 và trở thành thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim đến thăm Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, bà Kim Yo-jong còn tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un tới dự hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với Tổng thống Donald Trump tại Singapore vào năm 2018 và tại Việt Nam vào năm 2019.
Thời gian gần đây, bà Kim Yo-jong nổi lên là một nhân vật quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên. Bà được phục hồi vị trí thành viên dự khuyết trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên hôm 11/4.
Cũng theo ông Thae Yong-ho, Triều Tiên sẽ rơi vào cảnh bất ổn nếu nằm dưới sự lãnh đạo của bà Kim Yo-jong. Để tránh tình cảnh này, quyền hạn của ông Kim Pyong-il có thể được phục hồi để nắm giữ vị thế trung tâm quyền lực.
Song nhiều chuyên gia lại cho rằng, ông Kim Pyong-il không có cơ hội. Chia sẻ trên mạng xã hội hôm 26/4, ông Kim Byeong-ki, một thành viên thuộc Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc, nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Pyong-il có thể thay thế ông Kim Jong-un trong trường hợp Chủ tịch Triều Tiên không thể tiếp tục điều hành đất nước.
Vào năm 2015, ông Kim Pyong-il trở thành đại sứ Triều Tiên tại Cộng hòa Séc. Tới năm 2017, ông Kim Pyong-il được tăng cường bảo vệ an ninh, sau cái chết của người được cho là anh trai cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Kim Jong-un là ông Kim Jong-nam. Ông Kim Jong-nam được cho bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur tại Malaysia hôm 13/2/2017 khi đang đợi chuyến bay trở về Macau. Cảnh sát Malaysia cáo buộc hai nữ nghi phạm dùng chất độc thần kinh cực độc VX tấn công ông Kim. Ông Kim được chở tới bệnh viện sau vụ tấn công nhưng đã chết trên đường đi.
Không chỉ ít được nhắc tới tại Triều Tiên, ngay cả quãng thời gian sống tại châu Âu, những thông tin về ông Kim Pyong-il cũng không mấy nổi bật. Theo ông Lubomir Zaoralek, người từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc từ năm 2014 – 2017, “phong thái và phong cách của ông Kim Pyong-il cho thấy ông ấy giống như tới từ Hàn Quốc”.
Trong khi đó, tờ JoongAng Ilbo dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho hay, ông Kim Pyong-il trở về thủ đô Bình Nhưỡng vào cuối tháng 11/2019. Nhiều báo cáo chưa được kiểm chứng tại Hàn Quốc từng nhiều lần nhắc tới việc ông Kim Pyong-il bị giam giữ tại nhà hoặc bị ám sát hụt. Còn theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trước khi sinh sống ở nước ngoài, ông Kim Pyong-il từng phục vụ trong quân đội Triều Tiên trên cương vị chỉ huy lực lượng cận vệ tinh nhuệ, cũng như được bổ nhiệm vào các vị trí trong đảng Lao động Triều Tiên.
Những tin đồn về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên vắng mặt trong lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4.
Hồi tuần trước, CNN dẫn lời giới chức Mỹ giấu tên cho hay ông Kim Jong-un đang “nguy kịch” sau ca phẫu thuật tim mạch, nhưng chính phủ Hàn Quốc khẳng định thông tin ông Kim bị ốm là không đúng.
Hôm 27/4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay Bộ trưởng của cơ quan này là ông Kim Yeon-chul đã phát biểu trong một cuộc họp kín rằng, Hàn Quốc “có đủ nguồn tin tình báo để tự tin nói không có bất cứ diễn biến bất thường nào” tại Triều Tiên liên quan tới sức khỏe của ông Kim Jong-un.
Tác giả: Minh Thu (lược dịch)
Nguồn tin: infonet.vietnamnet.vn