Thương lái buồn rầu vì vỏ quế thu mua rớt giá, hàng trăm bì quế ế ẩm đầu ra. Ảnh: Hồ Văn Ngợi |
Trồng 10ha gốc quế, năm nay, nhà anh Lương Văn Thao ở bản Mường Cát, xã Thông Thụ (huyện quế Phong, Nghệ An) bắt đầu được thu hoạch. Chở vỏ quế khô từ nhà xuống cơ sở thu mua bên quốc lộ 16 giữa nắng hè gay gắt, tuy được trả tiền ngay, nhưng anh Thao không mấy vui, bởi giá bán không được như ý. “Mọi năm bán được 45.000 - 47.000đồng/kg, còn năm nay bán quế khô chỉ được 33.000 đồng - 36.000 đồng/kg thôi”, anh Thao cho biết.
Biết là không được giá bằng năm trước, nhưng chị Lữ Thị Minh (xã Đồng Văn) vẫn quyết định khai thác diện tích quế hơn 5ha đã tới tuổi thu hoạch. “Đến mùa thì phải bóc, không để lại được, vì đó là nguồn thu nhập của gia đình. Tuy không được giá nhưng nhà tôi vẫn phải bóc vỏ quế bán kiếm tiền trang trải, lo mua sắm sách vở đầu năm học mới cho các con”, chị Minh nói.
Người dân phơi vỏ quế tươi. Ảnh: Hồ Văn Ngợi |
Tính bình quân chung, giá thu mua các sản phẩm của cây quế, gồm vỏ quế tươi, quế chẻ khô, quế ống sáo và cành quế vụ này trên địa bàn huyện Quế Phong đều giảm từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg so với năm trước. Nguyên nhân giá quế giảm là do thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu nghẽn đầu ra dẫn đến các doanh nghiệp chế biến, thu mua quế chỉ hoạt động cầm chừng.
Nhìn đồi quế hơn 10ha từ 8 - 10 năm tuổi đã bước vào kỳ khai thác mà vẫn không có thương lái đến hỏi mua khiến ông Lô Văn Hương, xã Hạnh Dịch vô cùng ngao ngán. Năm nay, nhà ông có việc lớn cần phải bán quế mà không bán được vì giá thấp.
Ông Hương chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm khai thác bán tỉa, tôi thu khoảng 100 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhờ quế mà cuộc sống gia đình tôi khá lên, con cái có điều kiện học hành chu đáo. Giá quế năm nay thấp chưa từng có nên gia đình tôi đành gác lại việc thu hoạch. Hy vọng cuối năm giá quế tăng mới thu hoạch, bán kiếm thêm thu nhập để dựng nhà cho con trai”.
Mượn nhà một người quen bên quốc lộ 16, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong làm điểm thu mua vỏ quế, nhiều ngày qua, vợ chồng ông Trần Văn Huân quê ở huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã vào đây được 10 ngày nay. “Vợ chồng tôi cũng chỉ đi mua vỏ quế về nhập cho các nhà máy kiếm ít đồng tiền lãi. Năm nay, vỏ quế mất giá nên hàng thu mua được còn ế ẩm, chưa có xe vào chở đi. Khó khăn lắm!”, nói rồi ông Huân chỉ vào hàng trăm bì vỏ quế khô thu mua được chất đống cao ngất mà chưa xuất bán được, mặt rầu rĩ.
So với các năm trước, vỏ quế hiện rớt giá kỷ lục. Ảnh: Hồ Văn Ngợi |
Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Quế Phong, Quế Phong là địa phương có diện tích quế nhiều nhất tỉnh Nghệ An với trên 800ha. Cây quế được trồng ở trên toàn 13 xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất ở 4 xã Châu Kim, Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch.
Cây quế đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây và nhờ cây quế mà đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Bởi vậy, nơi đây nhà nhà trồng quế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá quế giảm mạnh khiến vụ quế trở nên ảm đạm hơn.
Trước thực trạng này, UBND huyện Quế Phong đang có các giải pháp chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có kế hoạch cụ thể nhằm ổn định tâm lý, tinh thần cho người dân; đồng thời xây dựng quy hoạch vùng sản xuất quế có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển tràn lan; tìm hiểu, xây dựng thêm các sản phẩm OCOP từ quế; phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp tục quảng bá các sản phẩm quế đến người tiêu dùng.
Tác giả: Hồ Văn Ngợi
Nguồn tin: sggp.org.vn