Trong tỉnh

Nghệ An, tỉnh đầu tiên hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy

Tháng 7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết này là các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm về ma túy. Đây cũng là tỉnh đầu tiên ban hành chính sách mới này nhằm hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, VKSND, TAND trong điều tra, truy bắt, truy tố, xét xử các vụ án phạm tội ma túy.

Địa bàn trọng điểm về ma túy của cả nước

Trao đổi về chính sách này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh cho biết : Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước, có vị trí địa lý nằm gần khu vực “Tam giác vàng” – “Thánh địa” sản xuất ma túy lớn trên thế giới nên lượng ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào thẩm lậu vào Nghệ An và đi các nước thứ ba tiềm ẩn lớn. Nghệ An còn có tuyến biên giới tiếp giáp với Lào dài 468,2 km, chiếm gần 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt – Lào, dài nhất so với các tỉnh có chung đường biên giới; có 05 cửa khẩu và hàng trăm đường tiểu ngạch qua lại biên giới, địa hình rừng núi hiểm trở, rất thuận lợi cho bọn tội phạm về ma túy lợi dụng ẩn nấp, hoạt động, đồng thời địa hình này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, ngăn chặn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh

Do đó, để hỗ trợ cho công tác phòng chống ma túy, tháng 7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban hành, đây là một chủ trương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nghệ An đối với cán bộ chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy và đó cũng là động lực để các cán bộ chiến sĩ vượt qua những khó khăn, nguy hiểm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước đó, Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ; nhiều văn bản mang tính chiến lược, dài hạn, có nhiều sáng tạo, đột phá, nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Nghị quyết số 03-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác PCMT giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy ; Đề án của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác xóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025; 02 Chỉ thị của UBND tỉnh về giải quyết tụ điểm phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới huyện Quế Phong, Kỳ Sơn… Những năm gần đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan cùng với nhân dân, tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh được phát hiện, bắt giữ ngày càng nhiều. Nhiều tổ chức, đường dây tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện bắt giữ; thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy cũng được thực hiện nghiêm minh.

Trong 3 năm từ năm 2016 – 2019, Tòa án nhân dân hai cấp của Nghệ An đã thụ lý, xét xử 4.037 vụ, 4.660 bị cáo phạm tội về ma túy; trong đó, tuyên phạt tử hình 41 bị cáo; tù chung thân: 66 bị cáo; tù có thời hạn: 4.408 bị cáo… Tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy vẫn còn tiểm ẩn lớn, ngày càng diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh, tinh vi, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt khi bị vây bắt. Vì thế, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy luôn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nên đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Riêng từ năm 2016 – 2019 đã có 51 cán bộ, chiến sỹ Công an, Bộ đội Biên phòng bị thương, điều trị phơi nhiễm HIV do đấu tranh với tội phạm ma túy. “Bởi vậy, chúng tôi thấy rằng việc ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống ma túy này rất thiết thực. Đây là một chính sách có nhiều tính ưu việt, tuy mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng sẽ tạo động lực cho cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, cống hiến cũng như nhân dân yên tâm tích cực phối hợp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An” – Phó Chủ tịch Lê Hồng Vinh nói.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn có 70 xã, phường, thị trấn là trọng điểm về ma túy.

Mức hỗ trợ cụ thể

Mức hỗ trợ cụ thể cho các cơ quan trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy như sau:

Hỗ trợ cho các lực lượng (Công an, Biên phòng, Hải quan) trực tiếp bắt giữ, khởi tố vụ án phạm tội về ma túy được quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành, trong đó:

– Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy đặc biệt nghiêm trọng: 10.000.000 đồng/vụ án;

– Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy rất nghiêm trọng: 5.000.000 đồng/vụ án;

– Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy có đối tượng phạm tội sử dụng vũ khí nguy hiểm (súng quân dụng, súng tự chế, vật liệu nổ tự chế, lựu đạn): 5.000.000 đồng/vụ án.

Hỗ trợ Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử các vụ án phạm tội về ma túy đặc biệt nghiêm trọng: 2.500.000 đồng/vụ án.

Hỗ trợ Tòa án nhân dân xét xử các vụ án phạm tội về ma túy đặc biệt nghiêm trọng: 2.000.000 đồng/vụ án.

Hỗ trợ lực lượng Công an trực tiếp bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy, trong đó:

– Hỗ trợ khi bắt đối tượng truy nã ở trong nước: 5.000.000 đồng/đối tượng;

– Hỗ trợ khi bắt đối tượng truy nã ở nước ngoài:10.000.000 đồng/đối tượng.

Mức hỗ trợ cụ thể cho cán bộ và thân nhân cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy bị nhiễm HIV, bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ bị nhiễm HIV: Ngoài hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2005 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hỗ trợ thêm 45.000.000 đồng/trường hợp đối với người bị nhiễm HIV.

Hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ bị thương phải điều trị tại bệnh viện: 5.000.000 đồng/trường hợp.

Hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ bị thương làm suy giảm khả năng lao động: ngoài mức trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, hỗ trợ thêm theo mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, cụ thể như sau:

– Từ 5% đến 10%: hỗ trợ 5.000.000 đồng/ trường hợp;

– Từ 11% đến 20%: hỗ trợ 10.000.000 đồng/trường hợp;

– Từ 21% đến 40%: hỗ trợ 20.000.000 đồng/trường hợp;

– Từ 41% đến 60%: hỗ trợ 30.000.000 đồng/trường hợp;

– Từ 61% đến 80%: hỗ trợ 40.000.000 đồng/trường hợp;

– Từ 81% trở lên hỗ trợ 45.000.000 đồng/trường hợp.

Hỗ trợ cho thân nhân cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ hi sinh: Ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, hỗ trợ 50.000.000 đồng/trường hợp đối với thân nhân liệt sỹ.

Một vụ xét xử án ma túy tại Nghệ An

Tác giả: LÊ SƠN

Nguồn tin: tapchitoaan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP