Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Minh. Trú quán tại Xóm Bản Pòong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phản ánh về việc ông đã bị Công ty Cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Thịnh Phát ( Công ty Thịnh Phát) xâm phạm lợi ích hợp đồng đã ký kết.
Đơn thư ông Nguyễn Văn Minh gửi tới Pháp luật Plus. |
Pháp luật Plus xin được trích đăng nội dung đơn của ông Minh như sau: "Sau một quá trình thương thảo, Tôi (ông Minh) và Công ty Thịnh Phát do ông Nguyễn Kiêm Thành là Giám đốc (người đại diện pháp luật) đã cùng nhau ký kết Hợp đồng Hợp tác kinh doanh số: 01/HĐHTKD.
Theo Hợp đồng này, hai bên cùng nhau hợp tác khai thác tận thu quặng thiếc tại 05 vị trí bãi thải trên diện tích 4,75ha nằm trên địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Trong đó, Công ty Thịnh Phát sẽ góp vốn bằng 4,75 ha được giới hạn bởi các điểm khép góc từ 1 đến 4 và từ 7 đến 25, có tọa độ xác định theo phụ lục bản đồ kèm theo giấy phép khai thác tận thu khoáng sản số 4915/GP-UBND do UBND tỉnh Nghệ An ký ngày 06/11/2018. Còn phía bên tôi (Nguyễn Văn Minh) có trách nhiệm đầu tư toàn bộ máy móc, thiết bị để khai thác, chế biến sản phẩm, trạm điện, xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác khai thác, nghiền tuyển, và chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí khai thác,…Đồng thời, tôi chịu trách nhiệm về an toàn lao động và toàn bộ chi phí về an toàn lao động sử dụng trong quá trình khai thác.
Trong bản hợp đồng cũng đã thành lập Ban điều hành hoạt đồng kinh doanh gồm 03 người, trong đó tại điều 5.2 nêu rõ: “Khi cần phải đưa ra các quyết định liên quan đến nội dụng hợp tác được quy định tại Hợp đồng này, mọi quyết định của Ban điều hành sẽ được thông qua ý kiến của ông Nguyễn Kiêm Thành và ông Nguyễn Văn Minh đồng ý;…. Đặc biệt, việc lấy ý kiến này phải được lập thành Biên bản có chữ ký xác nhận của các thành viên trong Ban điều hành”.
Nội dung Điều 6 trong Hợp đồng Hợp tác |
Điều 6 của Bản hợp đồng nêu rõ: “Bên A (tức bên Công ty Thịnh Phát) có trách nhiệm góp 4,75ha đất đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép để khai thác tận thu quặng thiếc…. Bên A cam kết diện tích đất trên không bị tranh chấp và chưa hợp tác đầu tư mua bán, chuyển nhượng, thế chấp cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; đặc biệt, trong quá trình khai thác, nghiền tuyển, Bên A không tự ý đưa cá nhân, tập thể vào khu vực khai thác để tham gia vào phần việc của Bên B khi chưa có sự đồng ý và thỏa thuận giữa hai bên”.
Ngay sau khi ký kết hợp đồng, tôi đã ngay lập tức đầu tư cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng, mua sắp máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, và ký hợp đồng lao động,… đã sẵn sàng cho việc khai thác quặng theo Hợp đồng đã ký kết với Công ty Thịnh Phát.
Tuy nhiên, đến ngày 15/09/2019, một cá nhân xưng danh là đại diện Công ty Thịnh Phát thông báo cho tôi qua điện thoại là đã bán toàn bộ Công ty cho đối tác thứ ba, mà không hề có một cuộc đàm phán, thảo luận chính thức để đưa ra một văn bản có đầy đủ ý kiến của các bên theo quy định tại Hợp đồng đã ký. Trong thời gian nêu trên, đại diện pháp luật của Công ty Thịnh Phát ghi rõ trong Hợp đồng hợp tác là ông Nguyễn Kiêm Thành (Giám đốc) và ông Lê Hùng Hường (Phó Giám đốc) đại diện cho Ban điều hành tại nơi sản xuất đã lẩn tránh không rõ. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện, mời ông Nguyễn Kiêm Thành đến để làm việc, bàn bạc, trao đổi đổi, nhưng đều bất thành. Chúng tôi cho rằng, phía Công ty Thịnh Phát đang có dấu hiệu hợp tác bất minh, sai quy định pháp luật với một đối tác thứ 3 nào đó.
Tôi đã nhiều lần điện thoại gửi công văn đến trụ sợ Công ty Thịnh Phát nhưng đều được trả lại vì công ty này chuyển trụ sở đến địa điểm khác mà không rõ lý do và không hề thông báo cho tôi.
Chưa dừng ở đó, đến ngày 11/10/2019, chúng tôi nhận được Quyết định đình chỉ việc khai thác của chúng tôi do ông Nguyễn Minh Châu đóng dấu và ký tên với chức danh là Giám đốc Công ty Thịnh Phát. Trong khi đó, từ lúc ký Hợp đồng hợp tác đến nay, chúng tôi không hề nhận được thông báo, hay văn bản nào chính thống từ phía Công ty Thịnh Phát về việc thay đổi lãnh đạo.
Hơn nữa, việc thay đổi người điều hành liên quan tới Hợp đồng hợp tác cũng không hề trao đổi, bàn bạc với chúng tôi. Cao điểm hơn là bắt đầu từ ngày 23/10/2019, nhóm người lạ mặt tự xưng là đại diện của Công ty Thịnh Phát ngang nhiên cho xe cộ, máy móc thiết bị vào khai thác và chở vật liệu ra khỏi công trường trên phần diện tích được quy định “không được xâm phạm” theo quy định tại Hợp đồng đã ký”.
Xe tải khai thác trộm quặng. |
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Văn Minh cùng một số tài liệu kèm theo và để khách quan thông tin tới bạn đọc Phóng viê Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Đại diện lãnh đạo UBND xã Tri Lễ cho biết: "Địa phương chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ các nhà đầu tư, doanh nghiệp về hợp tác kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, trước khi về hợp tác đầu tư tôi cũng đã nhắc chỗ anh Minh rồi....
Hiện tại, (ngày 25/10) phía UBND xã chưa nhận được đơn thư từ chỗ ông Minh. Tuy nhiên chúng tôi đã nắm bắt được sự việc….".
Máy xúc ngang nhiên khai thác trộm tại khu vực ông Minh ký kết hợp đồng hợp tác. |
Tại một diễn biến khác Phóng viên Pháp luật Plus tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Kiêm Thành - Nguyên là Giám đốc Công ty Thịnh Phát thì hay biết: "Đúng là trước đây tôi là Giám đốc Công ty Thịnh Phát nhưng bây giờ đã chuyển công tác khác. Đúng thời điểm đó hai bên có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hợp đồng đã có hiệu lực và thi hành.
Hiện tôi đã thay đổi vị trí công tác, phía Công ty Thịnh Phát cũng đã thay đổi lãnh đạo người ta đã có nhã ý bồi thường những hạng mục mà ông Minh đã đầu tư vào, tuy nhiên hai bên không thống nhất được, nên đã xảy ra mâu thuẫn..."
Để thông tin khách quan hơn nữa Phóng viên Pháp luật Plus tiếp tục liên hệ với Công an huyện Quế Phong thì được lãnh đạo cho biết: "Công an huyện Quế Phong đã nhận được đơn thư của ông Minh. Tuy nhiên việc tranh chấp này chúng tôi đề nghị ra Tòa để giải quyết".
Trái ngược với những trao đổi của UBND xã Tri Lễ và nguyên lãnh đạo Công ty Thịnh Phát ông Minh cho rằng mình đã bị lừa đảo. Cụ thể: "Khu đất hiện tại ông Minh đã đầu tư rất nhiều công sức, máy móc, thiết bị, công nhân... để thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thịnh Phát.
Tại thời điểm bàn giao mốc giới để thực hiện giai đoạn 2 thì bên phía Công ty Thịnh Phát không làm biên bản bàn giao mốc giới, địa điểm cụ thể mà chỉ là ra "chỉ tay". Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức, nhân công, nhưng đến khi khai thác được thì lại bị chính công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh là Công ty Thịnh Phát lật lọng.
Chúng tôi đầu tư máy móc, công sức vào khu vực này lên tới gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên đại diện Công ty Thịnh Phát chỉ làm bồi thường cho chúng tôi số tiền rất ít cho với mức đầu tư của chúng tôi bỏ ra vì vậy chúng tôi không đồng ý. Không những vậy thời điểm này, mặc dù hợp đồng hợp tác giữa tôi và Công ty Thịnh Phát đang có hiệu lực pháp luật, nhưng có nhiều đối tượng ngang nhiên dùng nhiều xe tải chở đất từ khu vực mà chúng tôi đang được phép khai thác. Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu tới các bên liên quan, và đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc bảo về lợi ích, tài sản hợp pháp của chúng tôi”.
Thiết nghĩ Quế Phong là một trong những huyện miền núi nghèo của Nghệ An thì việc thu hút đầu tư từ tư nhân là một việc quan trọng. Tuy nhiên cũng cần phải có cơ chế để thu hút cũng như ủng hộ những nhà đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Qua đây cũng đề nghị Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quế Phong, UBND xã Tri Lễ sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc. Tránh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo thông tin Pháp luật Plus ghi nhận được, hiện tại các đối tượng lạ mặt vẫn tiếp tục tìm mọi cách để khai thác trên diện tích thuộc vị trí quy định trong hợp tác giữa ông Minh và Công ty Thịnh Phát. Ông Minh cũng liên tục nhờ sự hỗ trợ bảo vệ của các cấp chính quyền địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của mình, nhưng sự vào cuộc vẫn khá “thờ ơ”.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Thanh Bình
Nguồn tin: Pháp Luật Plus