Trong tỉnh

Nghệ An làm gì để giữ vững đà tăng trưởng và đạt mục tiêu đề ra về thu hút vốn FDI?

Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư thuận lợi, tin cậy và hiệu quả của các nhà đầu tư FDI.

Một góc KCN VSIP Nghệ An 1 tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Năm 2023 là một năm nhiều thành công về thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Trong đó, thu hút vốn FDI có bước tăng trưởng vượt bậc khi Nghệ An đứng thứ 8 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước, với 18 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 1,6 tỷ USD, vượt 219% mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư FDI là 500 triệu USD.

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích 834,79 ha là Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 quy mô 500 ha và Khu Công nghiệp Hoàng Mai II quy mô 334,79 ha. Hiện Ban quản lý đang triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp WHA Industrial Nghệ An 2 (189 ha); Khu công nghiệp Thọ Lộc B (180 ha); Khu công nghiệp Nghĩa Đàn (200 ha); tỷ lệ lấp đầy bình quân 7 khu công nghiệp là trên 53%.

Trao đổi với Nhadautu.vn vào những ngày đầu năm, ông Nguyễn Văn Trường – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho hay, tại Kế hoạch số 490/KH-UBND ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3-3,5 tỷ USD; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 4,5-5 tỷ USD (900 triệu - 1 tỷ USD/năm).

Để giữ vững đà tăng trưởng năm 2023 và đạt được mục tiêu đề ra, ông Trường cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Thứ nhất, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của tỉnh Nghệ An đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các bộ ngành trung ương, các địa phương trong cùng khu vực.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế. Gấp rút triển khai công tác giải phóng 2 mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Thứ ba, huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu theo Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, như: Cảng nước sâu Cửa Lò; đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2), đường giao thông nối từ QL7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An)…, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có (VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt,...) để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư thứ cấp từ làn sóng đầu tư mới. Đồng thời chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

"Trong thời gian tới, Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư thuận lợi, tin cậy và hiệu quả của các nhà đầu tư FDI. Đồng thời là "điểm tựa" để Nghệ An sớm đạt đạt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra", ông Trường nhấn mạnh.

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP