Những vụ tai nạn thảm khốc
Đến nay, dù đã gần 2 năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa thể quên được cảnh tượng kinh hoàng trong vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, khoảng trưa ngày 25/8/2018, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên), chiếc xe ôtô 7 chỗ ngồi mang BKS 37S-2427 khi lưu thông qua đường ngang dân sinh cắt đường sắt Bắc - Nam không có rào chắn, do tài xế thiếu quan sát đã bị đoàn tàu mang số hiệu Đ19E 994 lưu thông theo hướng Nam - Bắc tông phải. Sau cú tông mạnh, đoàn tàu hỏa còn kéo lê chiếc ô tô 7 chỗ đi khoảng 300 m. Khi văng ra khỏi đoàn tàu, chiếc ô tô gần như dập nát hoàn toàn.
Vụ tai nạn thảm khốc khiến anh Bùi Ngọc H. và anh Bùi Đình T. (cùng trú xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) tử vong ngay tại chỗ. Có 2 người còn lại trên xe ô tô là Nguyễn Duy T. và Bùi Đình H. bị thương nặng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Hiện trường vụ tại nạn đường sắt thảm khốc khiến 2 người chết, 2 người bị thương nặng xảy ra tại xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên) cuối tháng 8/2018 |
Cũng liên quan đến tai nạn đường sắt khi đi qua lối mở không gác chắn, vào khoảng 15h chiều ngày 15/11, chị Lê Thị Ngọc T. (SN 1989, trú xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) điều khiển ô tô 5 chỗ hiệu Kia K3 mang BKS 37A - 197.66, băng qua điểm giao cắt giữa đường dân sinh với đường sắt thuộc địa bàn phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai), do thiếu quan sát đã bị tàu hỏa chở khách chạy hướng Nam - Bắc lao tới đâm trúng. Cú va chạm khiến chiếc xe ô tô văng ra mép đường sắt, lật úp khiến chị T. tử vong tại chỗ.
Mới đây nhất, khoảng giữa trưa ngày 23/02/2020, tài xế Nguyễn Xuân H. (SN 1992, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh) điều khiển xe tải chở đất băng qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa bàn phường Vinh Tân. Ngay lúc đó, tàu hàng đang chạy hướng từ Nam ra Bắc lao đến đâm trúng xe tải. Vụ tai nạn khiến chiếc xe tải bị húc bay một đoạn xa, rơi xuống ao, hư hỏng nặng; tài xế H. rơi ra khỏi cabin và bị tàu hỏa cán tử vong tại chỗ.
Được biết, những địa điểm xảy ra tai nạn nói trên thường có chung đặc điểm là có độ dốc, không có gác chắn tự động, không có người gác và không có biển cảnh báo, lại bị che khuất tầm nhìn…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đi qua đường ngang cắt đường sắt Bắc - Nam không có gác chắn |
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng - Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ Ancho biết, hầu hết các vụ TNGT đường sắt đều chủ yếu do người tham gia giao thông khi đi qua đường sắt không chịu dừng lại quan sát, cố tình vượt ẩu; Một số dân cư sống hai bên đường sắt tự ý mở các lối đi, xây nhà cao tầng, làm mái che, dựng các biển quảng cáo che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông nên dễ gây nên những vụ tai nạn đáng tiếc, thương tâm…
Trông chờ các dự án đường gom dân sinh
Được biết, tuyến Đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Nghệ An dài 95,5km (từ Km238+500 đến Km334) đi qua địa bàn 7 huyện, thành, thị gồm thị xã Hoàng Mai; các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thành phố Vinh.
Theo Ban ATGT tỉnh Nghệ An, năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người. Riêng 2 tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn đường sứt xảy ra 2 vụ khiến cho 2 người chết. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra ở các lối mở, lối dân sinh qua đường sắt không có gác chắn.
Cũng theo Ban ATGT tỉnh Nghệ An, điều đáng băn khoăn là hiện toàn tỉnh có 57 đường ngang và 151 lối đi tự mở. Trong đó, có 4 đường ngang không có gác chắn (Diễn Châu 1; TP Vinh 1 và Hưng Nguyên 2); lối đi tự mở nhiều nhất là thị xã Hoàng Mai với 61 điểm, huyện Diễn Châu có 45, Quỳnh Lưu có 20, Hưng Nguyên gồm 11, Nghi Lộc có 9 điểm…
Một đoạn lối đi tự mở qua đường sắt ở xã Nghi Liên (TP Vinh) mới được "bịt" |
Được biết, trong các năm 2017, 2018, Sở GTVT Nghệ An đã phối hợp với 7 huyện, thành, thị cùng 2 đơn vị quản lý đường sắt tổ chức cưỡng chế đóng thành công 21 đường đi dân sinh trái phép; đóng 2 đường ngang tại nơi đã được xây dựng cầu vượt. Đặc biệt là đóng được dứt điểm đường ngang tại khu vực ngã 3 Yên Lý (giao với Quốc lộ 48) tại km273+300 và đường ngang tại Công ty Thủy Lực tại Km315+787.
Trong năm 2019 đã đóng thêm được 08 lối đi tự mở trái phép trên địa bàn và 01 đường ngang. Cụ thể là TP Vinh có 03 đường (Km314+410, Km320+060, Km321+740); huyện Nghi Lộc: 04 đường (Km306+310, Km309+346, Km309+635 và Km310+160); huyện Hưng Nguyên: 01 đường (Km 327+915); Đóng đường ngang tại Km 299+169 thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.
Mới đây nhất, ngày 10/02/2020, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 569/UBND-CN về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.
Văn bản mới đây nhất của UBND tỉnh Nghệ An về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia. |
Theo đó, văn bản này UBND tỉnh Nghệ An giao Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các hãng taxi, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lái xe, phương tiện cơ giới tham gia giao thông nghiêm túc thực hiện nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt. Sở GTVT chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện có đường sắt đi qua xây dựng kế hoạch, lộ trình thu hẹp giảm xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia theo quy định, yêu cầu xong trước ngày 30/3/2020.
Trao đổi với PV, ông Trần Lê Thắng – Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An, cho hay: Hiện, tất cả các điểm lối đi tự mở và đường ngang có thể “bịt” được chúng tôi đã hoàn thành. Còn lại 151 lối đi tự mở và 57 đường ngang còn lại thì không thể thực hiện xóa bỏ vì đây là các lối đi “độc đạo” của người dân sát đường sắt. Vì thế, để “xóa bỏ” được hoàn toàn đường ngang và lối đi tự mở chỉ còn một cách là phải trông chờ vào các dự án đường gom dân sinh trong tương lai.
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường