|
Vi phạm tràn lan
Thời gian gần đây Báo PLVN tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty An Lộc Sơn đã tự ý vào khu vực Lèn Chu trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp để khai thác đá trái phép trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý. Phóng viên đã tiếp cận hiện trường để kiểm chứng những gì người dân phản ánh.
Để lên được vị trí khai thác phải đi từ Quốc lộ 48C đi vào vào khoảng 5km thì đến Làng Dũa (xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp), sau đó đi một đoạn đường đất khoảng 1km thì đến núi Lèn Chu. Tại đây, xuất hiện một con đường lên núi gập ghềnh, dốc cao mới được san gạt, họ bạt cả núi đá mở đường rộng 5-6 m cho xe và máy móc vào “ăn đá”. Được biết, đây là ngọn núi giáp ranh giữa xã Minh hợp và Thọ Hợp.
Để tiếp cận khu vực khai thác phải đi qua 2 cánh cổng lớn. Trước mắt chúng tôi là núi đá bị "băm nát" nhiều phiến đá được cắt vuông vức chờ vận chuyển, hàng chục phi dầu để ở bãi, họ còn đào những hố rộng hàng chục m2 để trữ nước, lán trại dựng cho công nhân ở có lẽ đã từ rất lâu vì những cây cột đã bắt đầu xuống cấp.
Quan sát trực tiếp hiện trường theo phản ánh của người dân thì thấy, núi đá đang khai thác dở, đá được đục khoét, cắt gọt từ dưới lên trên là do Công ty An Lộc Sơn khai thác "chui".
Hiện trường khai thác đá trái phép |
Trao đổi với phóng viên, một người dân ở Làng Dũa, xã Thọ Hợp cho biết "chỗ này khai thác đá đã lâu, mấy hôm nay họ đang nghỉ tết nên thuê 2 người dân ở làng này canh lán".
Khu vực Lèn Chu vị trí khai thác đường vào vận chuyển thì hơi khó đi, nhưng đứng từ ngoài đường chính nhìn vào thì thấy ngay núi đá bị khai thác nham nhở. Ngoài ra, tại vị trí này lại tiếp giáp với một mỏ đá đã được cấp phép.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không phát hiện việc khai thác đá trái phép tại khu vực Lèn Chu, khiến người dân đặt nghi vấn chính chuyền địa phương buông lỏng quản lý hay "tiếp tay" cho việc khai thác đá trái phép?
Chính quyền nói gì?
Việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ xảy ra tại một xã, mà theo phản ánh của người dân nhiều nơi cũng diễn ra rất rầm rộ không kém. Theo chỉ dẫn của người bản địa, chúng tôi men theo những rừng cam, cao su vào tận những ngọn núi xơ xác, lở loét do nạn khai thác đá gây ra.
Điển hình nhất chính là tại C14, C12 thuộc xã Minh Hợp và làng Bửng, xã Văn Lợi, huyện Qùy Hợp. Thấp thoáng trong những vườn cam, quýt, cao su là những sườn núi bị đào xới bung bét để lấy đá cảnh.
Nhiều nơi, mặc dù chính quyền đã tiến hành xử phạt, nhưng những người khai thác đá vẫn tiếp tục phá nát các quả đồi, vườn cam để moi đá bởi vì trị giá cho những lần “khoét núi” là khá lớn.
Thực tế tại khu vực núi Lèn Côi, xóm Đại Xuân (Làng Bửng), xã Văn Lợi, cả quả đồi bị xé nát tanh bành, hàng trăm tảng đá, với khối lượng hàng ngàn m3 nằm ngổn ngang, chất thành đống chờ thuận lợi để bốc đi.
Một khối cổ thạch |
Theo người dân sống ở đây cho biết, đá cổ thạch được các đầu nậu khai thác nhiều tháng nay, họ liên kết với những gia đình có nương rẫy, sau đó thuê đất để khai thác đá.
“Cứ chỗ nào có đá là họ xới tung lên, ban ngày họ khai thác, đêm đến họ chở, loại đá thời gian gần đây được nhiều khách hạng ưa chuộng, bán lại có giá nên quanh khu vực này, chỗ nào có đá, chỗ đó bị cày xới”, một người dân sống gần đây cho biết.
Theo một người chơi đá cảnh tại địa phương, đá cảnh hay “cổ thạch” thường được bán theo hai dạng. Đá bình thường thì bán theo tấn, với giá từ 600-800 nghìn/1 tấn. Những viên đá đẹp có khi bán được tới gần trăm triệu đồng/ 1 viên.
Sau nhiều lần thực tế, thật đáng ngạc nhiên, việc khai thác không được dừng lại, mà còn được mở rộng quy mô, cả một quả núi đã bị băm nát với hàng nghìn m3 đá cảnh nằm ngổn ngang, viên lớn đè viên bé.
Cả ngọn núi bị đục khoét kiểu moi ruột kéo dài hơn 500m. Máy xúc sau những giờ làm việc hết công suất đang nằm nghỉ giữa bãi đá, gàu xúc vẫn không quên nhiệm vụ là ngoặm đá cho ca làm việc tiếp theo. Những thùng dầu, xăng dùng chạy máy xúc còn nằm nguyên bên cạnh.
Theo đó, sau khi người dân và dư luận phản ánh, UBND xã Văn Lợi mới đi kiểm tra và lập biên bản cũng như ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng số lượng khoảng sản rất ít so với thực tế.
Cụ thể, tại văn bản số 160/QĐ-XPVPHC ngày 22/10 của UBND xã Văn Lợi xử lý vi phạm hành chính đối với ông Cao Văn Thân, trú tại xóm Minh Tiến, xã Minh Hợp với mức phạt là 3 triệu đồng, khối lượng khai thác trái phép là 15m3 đá cảnh. Trong khi thực tế số lượng đá bị khai thác lên tới hàng ngàn khối, tại nhiều địa điểm khác nhau.
Các khối đá mới được khai thác |
Về tình trạng khai thác đá trái phép theo phản ánh của người dân, ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TNMT huyện Qùy Hợp cho hay: “Tháng trước, họ có xin chúng tôi được mở đường, nhưng chúng tôi không đồng ý, bởi họ chưa có một thủ tục gì”.
Khi chúng tôi thông tin, mỏ này đang được khai thác, thậm chí là khai thác lâu này thì ông Hào tỏ ra ngạc nhiên và khẳng định: “Nếu họ làm như thế, chúng tôi sẽ thông báo xuống tỉnh, nếu họ vi phạm, đề nghị không cấp phép”.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp thừa nhận: “So với thời điểm tháng 10, nay trạng thái ngọn núi đã thay đổi nhiều. Và tôi được biết thì việc khai thác trai phép này đã bị xử lý khi phóng viên quý báo đã phản ánh với UBND xã”.
Việc khai thác khoảng sản trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp diễn ra công khai, trái pháp luật, kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí năm này qua năm khác, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý qua loa dẫn đến tình trạng người dân và doanh nghiệp theo nhau vi phạm.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam