Công ty TNHH Châu Tiến nơi có hàng chục công nhân la động bị mắc bệnh bụi phổi. |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, 21 lao động mắc bệnh bụi phổi silic đã được bồi thường. Tuy nhiên, trong số 22 trường hợp phát hiện bệnh, một người không tiến hành giám định y khoa nên không được nhận hỗ trợ.
Ngoài bồi thường trực tiếp, Công ty Châu Tiến cũng thanh toán chi phí y tế và điều trị cho 28 công nhân khác với tổng số tiền 365 triệu đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này phụ thuộc vào chứng từ chi phí. Những người giữ hóa đơn được hỗ trợ toàn bộ, còn những người thiếu hoặc chứng từ không hợp lệ chỉ nhận 50%.
Một số công nhân bày tỏ sự bất bình về mức bồi thường. Điển hình, anh Bùi Đình Bình, người mắc bệnh bụi phổi thể nặng, dù phải sống nhờ bình oxy, chỉ nhận được hơn 44 triệu đồng. Tương tự, anh Dương Văn Chính, mắc bệnh nặng, cho biết số tiền hỗ trợ hơn 11 triệu đồng là quá thấp so với chi phí điều trị kéo dài nhiều năm.
Thực tế, tình trạng bệnh nghề nghiệp tại Công ty TNHH Châu Tiến đã gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2017-2022, có 57 công nhân mắc bệnh bụi phổi silic, trong đó 19 người bị nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ. Đặc biệt, 6 trường hợp đã tử vong, chủ yếu là lao động tại huyện Nghi Lộc.
Gia đình 5 công nhân tử vong đã được công ty bồi thường với tổng số tiền hơn 561 triệu đồng. Tuy nhiên, trường hợp đầu tiên tử vong, anh Hồ Đức H., chưa được xác định nguyên nhân do bệnh nghề nghiệp nên chưa nhận được hỗ trợ.
Các sai phạm của Công ty TNHH Châu Tiến đã bị cơ quan chức năng chỉ rõ. Năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt công ty này 116 triệu đồng với hai lỗi chính: Không thực hiện quan trắc môi trường lao động từ năm 2017-2022, khiến công nhân làm việc trong môi trường độc hại mà không được bảo vệ đúng mức. Không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại.
Cả hai hành vi trên đều được xác định vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của công nhân.
Tình trạng ô nhiễm môi trường lao động tại Công ty TNHH Châu Tiến là một bài học đắt giá, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ quan chức năng trong việc giám sát, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người lao động. Việc bồi thường và hỗ trợ tuy cần thiết nhưng không thể bù đắp những mất mát về sức khỏe, thậm chí tính mạng của hàng chục con người.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đặt yếu tố an toàn lao động lên hàng đầu, bởi không có lợi nhuận nào đáng đánh đổi bằng sức khỏe và mạng sống của người lao động.
Tác giả: Lê Quyết
Nguồn tin: thuonghieucongluan.com.vn