Trong tỉnh

Nghệ An: Dự án bệnh viện nghìn tỷ chậm tiến độ, nợ thuế vẫn phải “nằm chờ” quyết sách từ các cổ đông lớn

Chậm tiến độ, nợ thuế, nợ tiền nhà thầu phụ… là thực trạng đang diễn ra tại dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 với quy mô 600 giường bệnh có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Thế nhưng, giải pháp duy nhất cho “số phận” của dự án nghìn tỷ này là “án binh bất động” nằm chờ quyết sách từ phía các cổ đông lớn khiến kỳ vọng của chính quyền và người dân trở thành thất vọng.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2 vẫn không hẹn ngày thi công trở lại.

Như Báo điện tử Xây dựng thông tin, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 là dự án trọng điểm về thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Dự án được khởi công từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, có quy mô 600 giường bệnh, tổng diện tích sàn là gần 55.000m2.

Sau khi đề án được phê duyệt, các bên thỏa thuận liên doanh liên kết thành lập Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và làm Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 2901794168 (đăng ký lần đầu ngày 10/8/2015, thay đổi lần 1 ngày 10/12/2015) với số vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An góp 40% (104 tỷ đồng) vốn điều lệ bằng giá trị thương hiệu, uy tín; lợi thế vị trí địa lý đất…

Thế nhưng trong quá trình triển khai dự án, do quá trình tái cơ cấu Công ty và gặp phải các vướng mắc trong vấn đề hoàn thiện pháp lý dự án (quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất) nên dự án bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn nhiều lần, gây khó khăn về tài chính, dẫn đến tiến độ dự án thi công bị chậm so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An gửi UBND tỉnh Nghệ An về tình hình giải ngân nguồn vốn đến ngày 30/7/2019, thì “thời hạn rút vốn từ Ngân hàng BIDV cho dự án là ngày 18/5/2020 (42 tháng tính từ ngày 17/11/2016). Song đến thời điểm hiện tại là tháng 11/2020, dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 vẫn chưa hoàn thành và đi vào hoạt động nên đã khiến cho Ngân hàng BIDV “sa lầy” với khoản cho vay hơn 700 tỷ đồng và khó thu hồi vốn theo như kế hoạch.

Nhiều hạng mục công trình của dự án đang dở dang nằm chờ quyết sách từ các đại cổ đông.

Cũng theo thông tin từ Cục Thuế Nghệ An cho biết, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, địa chỉ KM 5, Đại lộ Lê Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) đã nợ tiền thuế, tiền phạt lên đến 2.164.405.275 đồng.

Với việc Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An không chấp hành thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp, Cục Thuế Nghệ An đã thực hiện cưỡng chế tài khoản nhưng không thu được tiền thuế nợ.

Vì vậy, ngành Thuế Nghệ An đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị này.

Được biết, đơn vị này còn tồn 499 hóa đơn chưa sử dụng. Nếu sử dụng hóa đơn nêu trên kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành (từ ngày 19/11/2020 đến ngày 18/11/2021) thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Không chỉ nợ thuế, dự án này còn khiến không ít nhà thầu phụ lao đao, rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi tổng thầu chây ì trách nhiệm thanh toán tiền nhân công, vật liệu xây dựng…

Cụ thể, tháng 7/2020, 05 nhà thầu phụ đồng loạt ký đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để kêu cứu vì nhà thầu chính là Công ty COTEC LAND không thanh toán tiền cho họ dù các nhà thầu phụ này đã hoàn thành tiến độ thi công theo lộ trình dự án.

Theo đối chiếu công nợ giữa 05 nhà thầu phụ với Công ty COTEC LAND thì đến nay, họ đã bị nhà thầu chính thi công dự án này nợ số tiền gần 15 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Trường An bị nợ lên tới hơn 7,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết khiến nhà thầu phụ kêu trời.

Dự án Bệnh viện nghìn tỷ dở dang chưa hẹn ngày thi công trở lại.

Và đến hiện tại, dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 chậm tiến độ so với kế hoạch được duyệt gần 2 năm, thời gian thi công kéo dài nên đã dẫn tới các chi phí về lãi vay ngân hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Điều này, đồng nghĩa với việc làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Về lâu dài, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án cũng như gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước và người dân.

Bởi đến hiện tại, chủ đầu tư dự án này đang bị ngành Thuế Nghệ An ban hành văn bản cưỡng chế hóa đơn vì nợ thuế lến đến hơn 2 tỷ đồng. Cũng như tổng thầu thi công dự án này đang nợ các nhà thầu phụ 15 tỷ đồng mà chưa có phương án giải quyết.

Nhìn những hình ảnh nhếch nhác từ một dự án Bệnh viện nghìn tỷ dở dang chưa hẹn ngày thi công trở lại với nhiều lý do, nợ nần thì việc dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động vẫn đang phải “án binh bất động” nằm chờ quyết sách từ các đại cổ đông như báo cáo của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thì việc người dân được tiếp cận sử dụng các dịch vụ, tiến ích như chủ đầu tư thuyết trình ban đầu tại bệnh viện này còn xa vời lắm.

Tác giả: Quang Hợp

Nguồn tin: Báo Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP