Trong tỉnh

Nghệ An: Công tác chuẩn bị đầu tư đang dựa quá nhiều vào nhà thầu?

Cần nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc các nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ…

Tính đến ngày 10/8/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung mới giải ngân được 2.438/7.134,628 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch đề ra

Đây là một trong những nội dung được người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An chỉ đạo tại một hội nghị được tổ chức mới đây (17/8) để phân tích các nguyên nhân tồn đọng liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn trong thời gian qua.

Năng lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu…

Nhận định này được đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành đưa ra để đánh giá, mổ xẻ nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Nghệ An bị chậm, khiến nhiều dự án đầu tư rơi vào hoàn cảnh “lỡ nhịp” với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội…suốt thời gian qua.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của địa phương mà còn khiến công tác hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư chưa thể đạt được kết quả như kỳ vọng của kế hoạch trước đó đề ra. Trước vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc, thậm chí ra cả “tối hậu thư” yêu cầu kỷ luật cá nhân, tổ chức liên quan thiếu trách nhiệm, gây tắc nghẽn công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng hiệu quả vẫn chưa được chuyển biến rõ nét.

Ngoài những động thái đốc thúc chỉ đạo bằng văn bản, tại hội nghị diễn ra vào thời điểm nói trên cũng chỉ rõ các nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An còn chậm, cụ thể như: giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH); quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình MTQG chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn...

Hiện Nghệ An cũng có 87/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 45 dự án chưa giải ngân đồng nào

Đáng quan tâm, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân về vấn đề năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng. Năng lực chuyên môn của một số ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Mặt khác, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh thiết kế dự toán mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cùng với công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ. Chưa hết, ở cấp uỷ, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng…

Riêng về công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chưa sát sao, chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ trì tham mưu.

Vấn đề hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đối với một số quy trình, thủ tục còn chưa cụ thể, kịp thời; thời gian thẩm định của một số dự án kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đấu nối vào quốc lộ, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…vẫn còn rườm rà, gây khó cho đơn vị thi công, triển khai.

Ngưng bố trí dự án nếu chủ đầu tư thiếu trách nhiệm

Theo kế hoạch mà HĐND tỉnh Nghệ An giao thực hiện trong năm 2023, Nghệ An sẽ hoàn thành phần việc giải ngân vốn đầu tư công 5.583,8 tỷ đồng, chưa kể phần vốn còn lại kéo dài từ năm 2022 sang là 1.550,828 tỷ đồng. Với tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 phải thực hiện là 7.134,628 tỷ đồng, đến nay, nguồn kinh phí này cơ bản đã giao chi tiết đến từng đơn vị để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10/8/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung mới giải ngân được 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch, trong đó, kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%; Nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt 27,54%.

Cũng theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch; có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Một số đơn vị giải ngân thấp, có số vốn lớn như: Tương Dương (5,31%), Quế Phong (7,67%), Kỳ Sơn (19,08%), TX Hoàng Mai (22,58%)...; Khối ngành: Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,9%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...

Cá biệt, nhiều cơ quan, đơn vị có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn, nhiều dự án giải ngân thấp cần tập trung chỉ đạo: Tương Dương (còn 388 tỷ đồng), Kỳ Sơn (còn 350 tỷ đồng), Quế Phong (còn 237 tỷ đồng), Con Cuông (còn 202 tỷ đồng)...; Khối ngành: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (còn 489 tỷ đồng), Sở NN&PTNT (còn 215 tỷ đồng), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (còn 198 tỷ đồng), Sở Giao thông vận tải (mặc dù tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng do KH vốn lớn và mới bổ sung nên còn 391 tỷ đồng.

Công tác chuẩn bị đầu tư đang dựa quá nhiều vào nhà thầu, tư vấn...khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa thể đạt được như kế hoạch ban đầu

Tổng 3 Chương trình MTQG đã giải ngân 546,562 tỷ đồng/KH 2.091,216 tỷ đồng, đạt 26,14% KH, trong đó: giải ngân khá nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 61,3%; 2 chương trình giải ngân thấp là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc miền núi mới đạt 19,23%, trong đó KH năm 2023 mới đạt 11,93%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới đạt 3,47% KH, trong đó KH năm 2023 mới đạt 0,15%.

Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, 3 Chương trình MTQG chưa đạt như kế hoạch đề ra gồm: Địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình MTQG; năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế; công tác chuẩn bị đầu tư đang dựa quá nhiều vào nhà thầu, tư vấn; vướng mắc về giải phóng mặt bằng…

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An cũng cho biết, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc các nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ. Chấn chỉnh lại công tác tổ chức của các ban quản lý dự án. Trong thời hạn 10 ngày/1 lần, các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm báo cáo tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

“Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc các cơ quan, địa phương đã ký cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp danh sách các nhà thầu chậm tiến độ, nợ ứng lớn; không bố trí các dự án mới đối với các chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ. Các Sở, ngành phối hợp với các chủ đầu tư dự án giải quyết các khó khăn vướng mắc” - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP