Giáo dục

Nghệ An: Bí quyết học giỏi, đạt điểm cao của thí sinh trường làng

Không học trường chuyên, lớp chọn, nhưng nhiều học sinh trường làng, thậm chí ở trường vùng cao của tỉnh Nghệ An, đạt thành tích học tập xuất sắc và đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Nam sinh miền núi - thủ khoa "kép" xứ Nghệ

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em Phan Văn Đạt, học sinh lớp 12A1 (Trường THPT Con Cuông) ở một huyện miền núi của xứ Nghệ, là thí sinh khối A có kết quả thi cao nhất tỉnh với 29,1 điểm (Vật lý: 10, Toán: 9,6 và Hóa học 9,5). Đạt không bất ngờ với kết quả này, nhưng không giấu được niềm vui lớn. Em chỉ có chút ngạc nhiên khi biết mình là học sinh duy nhất trong tỉnh và là 1 trong 10 thí sinh trên cả nước đạt điểm 10 môn Vật lý.

Trước khi tham dự kỳ thi, Đạt đã được tuyển thẳng vào ngành IT1 của Trường ĐHBK Hà Nội, một trong những ngành học khó nhất của trường. Dù không thi cũng đậu đại học nhưng Đạt vẫn quyết tâm làm bài với toàn bộ khả năng của mình. Nhận được kết quả này, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình, mẹ của Đạt thực sự hạnh phúc, bởi chị vừa là người có công sinh thành, nuôi dưỡng, vừa là cô giáo, vừa là người dõi theo quá trình học tập của con trong suốt 12 năm phổ thông.

Con Cuông là một huyện miền núi nên điều kiện học tập của Đạt không được thuận lợi như các vùng khác. Vì thế, trong thời điểm "tăng tốc" cho kỳ thi bị dịch Covid-19 làm cho gián đoạn, Đạt lựa chọn hình thức học thêm qua mạng thông qua việc đăng ký một khóa học trực tuyến. Nói thêm về kinh nghiệm học tập, Đạt chia sẻ: "Để nắm vững kiến thức, ngoài thời gian học với các thầy, cô giáo thì việc tự học, tự tư duy rất quan trọng. Bởi vì có nhiều dạng bài tập, chuyên đề, thầy cô chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, còn về cách làm bài thì mình phải tự mày mò".

Theo Đạt, để học tốt không có nghĩa là phải học nhiều mà cần phải sắp xếp thời gian học tập hợp lý, để vừa hiệu quả, vừa không quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong thời gian ôn tập, mỗi buổi Đạt chỉ tập trung học một môn chứ không học nhiều cùng một lúc. Đến giai đoạn nước rút, khi nắm vững toàn bộ chương trình học, Đạt chỉ luyện đề và mỗi ngày Đạt luyện từ 3 - 4 đề của cả 3 môn Toán, Lý, Hóa theo thời gian quy định.Và Đạt ít khi học quá 12 giờ đêm và thường dậy sớm.

Em Phan Thị Thùy An đạt 28,5 điểm khối A (môn Toán đạt 10 điểm, Hóa 9,75 điểm, Vật Lý 8,75 điểm) trong kỳ thi vừa qua.

Cô trò giỏi trên đôi nạng gỗ

Hơn 1 năm nay, thầy và trò Trường THPT Nam Đàn 2 đã quá quen với hình ảnh em Phan Thị Thùy An với đôi nạng gỗ bên mình. Em là tấm gương về sự vượt khó vươn lên khi phải đối mặt với nhiều mất mát - sau 50 ngày cha mất thì em bị tai nạn xe máy, gãy chân. Không chịu đầu hàng số phận, sau những thử thách gian nan, nghiệt ngã, em đã cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập và trở thành thí sinh có điểm thi cao nhất trường trong kỳ thi năm nay với 28,5 điểm của 3 môn khối A, trong đó môn Toán đạt 10 điểm.

Sinh ra trong gia đình làm nông ở vùng ven sông Lam (xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn), điều kiện kinh tế không được khá giả, An từ nhỏ đã tự lập trong việc học tập cũng như giúp đỡ cha mẹ trong sinh hoạt hằng ngày. Vốn có tư chất thông minh, chăm chỉ, tự giác trong học tập, Thùy An luôn tìm thấy sự hứng thú trong mỗi môn học. "Thầy, cô ở trường đã truyền cho em niềm yêu thích từng môn học, giúp em hiểu được mỗi môn học đều có cái khó nhưng có sự thú vị riêng. Em thấy môn học nào cũng quan trọng như nhau và em phân bổ thời gian giữa các môn học để làm bài tập cho hợp lý", Thùy An nói thêm.

Ở trường, Thùy An chú ý nghe thầy, cô giảng bài để nắm chắc kiến thức ngay trên lớp. Về nhà, An dành thời gian từ 3 - 4 tiếng để tự học. Thùy An đọc thêm sách, làm thêm nhiều bài tập, đề thi của những năm trước để rèn các kỹ năng giải quyết bài tập từ mức độ dễ đến khó. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, An chỉ học thêm ở trường chứ không học thêm ở các lò luyện hay trung tâm khác. Mỗi ngày, An dành thời gian khoảng một tiếng để xem bài học cũ, làm thêm bài tập mới, tránh quá tải khi đến kỳ kiểm tra hay thi học kỳ. Không tạo áp lực cho mình trong việc học, vào thời gian rảnh, An thường nghe nhạc và đọc truyện để thư giãn, nghỉ ngơi.

Vẻ ngoài chững chạc, kiệm lời khiến Thùy An có phần trưởng thành so với tuổi học trò. Thùy An bộc bạch: "Em cố gắng học thật tốt không chỉ vì bản thân mà còn vì mẹ. Em muốn theo đuổi ngành kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sau này dễ tìm được việc làm để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ".

Tác giả: P.V

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP