Du lịch

Mùa cải nương ở miền tây xứ Nghệ

Miền xuôi có đủ loại cải, nhiều đến khó nhớ. Vậy mà ngược đường biên Nghệ An mùa này, ngẩn ngơ gặp rực vàng hoa cải nương cheo leo Huồi Tụ, Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn hay Tri Lễ, Cắm Muộn, huyện Quế Phong của người Mông, người Thái mà nhớ khó quên.

Nắng vàng ban mai sánh như mật rừng choàng xuống nương cải, mang cái dịu nhẹ mùa Thu về đỉnh núi của người Thái, người Mông tự bao giờ. Cuối Thu vàng hơn, cái vàng được nhuộm sắc của bạt ngàn hoa cải, người bạn thân quen của đồng bào trên núi từ bao đời nay.

Ngồng cải.

Cữ này, người miền cao lên đốt nương sau vụ lúa chín, vãi hạt cải làm thức rau ăn quanh năm. Cũng đâu cần chăm bón nhiều, tro rạ nương đã ủ vị mặn mòi bón cho những mầm cải lên xanh. Giống cải nương mạnh mẽ cứ thế mà vươn lên xanh tốt nơi triền miên trên những dải núi cao xanh.

Thứ cải nương ấy được mọc lên cũng chẳng hàng lối gì. Những hạt cải giống ngủ yên từ mùa trước trong ống nứa, đã thấm đẫm khói bếp được mang ra ngâm dưới lòng suối mát rượi. Hạt cải vừa tỉnh giấc dài, đã được người bản đem lên vãi đều trên thửa nương còn ấm tro rạ.

Gặp đất triền núi màu mỡ, lại thêm những cơn mưa dịu nhẹ mùa Thu, cải cứ vậy mà xanh, chen nhau trên nương. Một mùa cải ngọt lành của miền tây đã bắt đầu như thế.

Cải nương luôn đắt khách.

Cũng chỉ cỡ non tháng, cải đã bén xanh khắp đỉnh núi, triền nương, hốc đá, mỏm đất. Giống rau ưa đất núi mọc cao ngang ngực người, từng bẹ rau lá xanh mỡ màng, mép lá quăn tít tựa mào gà, thân căng mọng nước. Đến khi ấy, cải cho thu hoạch, cải xanh um chen nhau trong bế, trong gùi theo người về bản làm rau ăn hằng ngày.

Mỗi chiều, nương cải loang loáng một màu xanh, ánh lên bởi mặt trời rọi chiếu. Mấy cô thiếu nữ Mông đeo gùi sau lưng lúi húi nhổ cải. Ở bên kia đồi, mấy cô gái Thái cũng xoải cánh tay trong bộ váy áo sặc sỡ sắc màu để hái rau cải, cho vào gùi vào giỏ đeo nặng sau lưng.

Chuẩn bị mùa cải mới.

Những ngày Thu, trên chiếc mâm mây không thể thiếu món rau cải. Món rau núi thật sạch, thật giòn và thật ngon. Cải nương được hái về còn tươi mỡ màng, ngắt bỏ cuống già, cho vào luộc nhừ rồi chấm với muối gừng thì ngon biết mấy. Cũng là món rau cải Mông, miếng thịt lợn sấy trên gác bếp mùa trước, lấy xuống đập đập mấy cái cho bay bồ hóng, ngâm nước sôi chừng nửa tiếng rồi thái lát mỏng xào lẫn rau cải xanh. Thế là được một đặc sản chỉ có nơi những bản xa này.

Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở phố núi Mường Xén (Kỳ Sơn) hay Kim Sơn (Quế Phong) cũng tìm cách chế biến món cải ngồng trở thành đặc sản như rau cải luộc chấm xì dầu với trứng luộc, cải ngồng xào, ngồng cải muối...

Không thể thiếu món rau cải trong bữa cơm hằng ngày của đồng bào miền tây Nghệ An.

Khi mùa rau cải sắp vãn, người Mông hái về muối ăn dần. Chỉ cần mấy củ gừng núi, củ giềng thái lát, rau cải phơi tái thế mà mấy bà mẹ Mông muối hàng chục ống nứa dưa cải to để hong nắng ngoài triền đồi. Chỉ vài hôm sau, cải ngấm muối ngả vàng, màu vàng suộm, giòn tan, thơm thơm cay cay.

Ở mấy bản xa hơn, thức tươi hiếm hoi, bà con lại chọn ngày nắng nhiều đem lá cải ra phơi kỹ, cất dành cho những ngày Đông rét mướt đang tới.

Thứ cải khô này, thường được nấu với thịt gà Mông băm nhỏ. Ngồi bên bếp hồng, ngoài trời sương giá chực len qua mái nhà, vách gỗ pơ mu, thưởng thức nồi canh cải gà ri với cơm gạo nương thì ấm lòng lắm lắm.

Vui cùng nương cải.

Thoảng đã cuối mùa cải, người ta thôi không hái nữa bởi còn phải dành đơm hoa kết trái, làm giống đến mùa sau. Thế là, núi đồi sau nhiều ngày mang trên mình màu áo xanh mỡ màng của cải nương thì giờ choàng lên màu vàng của tấm áo mới.

Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa cải, mùa hoa mang sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa thu. Hôm trước chỉ lác đác mấy cây cải cao lêu đêu ra hoa, mấy hôm sau, cả triền núi, cải đua nhau trổ hoa, sắc vàng lan tràn từ đỉnh núi xuống chân núi, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia.

Thiếu nữ Mông checkin cùng hoa cải.

Mùa cải, mùa vàng về và đi trong hanh hao của sắc Thu, trong cái se lạnh của tiết trời hòa vào vẻ sặc sỡ của những bộ váy Mông trên những mỏm đá. Mùa cải nương đang về ở một vùng miền tây núi đồi xanh thẳm.

Tác giả: TRẦN HẢI - THÀNH CHÂU - DŨNG HÀ

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP