Giáo dục

Môn thi thứ 4 có phải là môn thi gây áp lực cho học sinh?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm Học Mãi cho rằng, môn thi thứ 4 không hẳn là môn thi gây áp lực cho học sinh. Áp lực của tuyển sinh vào lớp 10 THPT là tính cạnh tranh và sự kỳ vọng của phụ huynh.

Chỉ còn khoảng ba tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội sẽ diễn ra. Trong khi các tỉnh, thành khác đã lần lượt công bố các môn thi, học sinh Hà Nội vẫn thấp thỏm chờ đợi.

Trong bối cảnh năm học 2021-2022, học sinh Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên trong những ngày qua trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt phụ huynh đã kiến nghị Sở GD-ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức môn thi thứ 4 trong điều kiện học kỳ 1 năm học 2021-2022 học sinh hoàn toàn học trực tuyến và học kỳ 2 hoạt động dạy-học tiếp tục bị xáo trộn bởi lịch học “on-off” sẽ gây ra nhiều áp lực cho học sinh.

Bên cạnh đó, chất lượng dạy học trực tuyến cũng tồn tại nhiều vấn đề, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu bài học và tích lũy kiến thức. Do vậy, việc tổ chức thi môn thứ 4 khiến học sinh phải căng sức để ôn tập.

Dự kiến, môn thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố trong tháng 3/2022 này.

Tuy nhiên, trao đổi với VOV, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm Học Mãi cho rằng, môn thi thứ 4 không hẳn là môn thi gây áp lực cho học sinh.

“Bản chất của áp lực khi học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 nằm ở tính cạnh tranh của kỳ thi khi các em chỉ có một lần thi duy nhất để định đoạt kết quả là mình sẽ được vào ngôi trường nào? Trong khi đó hầu như phụ huynh nào cũng mong muốn con mình thi vào được ngôi trường tốt nhất cho nên áp lực đối với các em là rất lớn”, thầy Ngọc chia sẻ.

Nhìn lại những mùa thi đã qua, thầy Vũ Khắc Ngọc đánh giá, ngay cả những năm mà Hà Nội chỉ tổ chức 2 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 thì học sinh lớp 9 cũng đã chịu áp lực rồi. Áp lực của sự cạnh tranh và kỳ vọng của phụ huynh.

“Tâm lý của phụ huynh thường là cứ đặt nguyện vọng cao hơn một tí để con phấn đấu. Nhưng đâu biết rằng, sự kỳ vọng này vượt quá so với sức của các con cho nên mới tạo ra áp lực lớn ”, thầy Ngọc nói.

Từ sự kỳ vọng này cho nên cứ mùa thi sắp đến hầu như phụ huynh nào đều ép các con phải tham gia học tập, ôn thi một cách tối đa. Ví dụ một ngày con có 5-6 giờ trống thì dù con chỉ phải thi 2 môn phụ huynh cũng sẽ cho con học hết quỹ thời gian 5-6 giờ đó; Nếu học sinh phải thi tới 3-4 môn thì phụ huynh cũng yêu cầu con phải học hết quỹ thời gian 5-6 giờ trống chứ không dành thời gian để cho các con nghỉ ngơi nhiều hơn.

“Đúng là năm học 2021-2022 do dịch bệnh Covid-19 khiến cho học sinh phải học trực tuyến kéo dài và điều này khiến cho việc học tập, ôn thi của các em bị chuệch choạc, không ổn định. Tuy nhiên, khó thì khó chung mà dễ thì dễ chung. Khi học sinh phải chịu những tác động do dịch bệnh Covid-19 thì tôi tin rằng, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức việc ra đề thi sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với năng lực các con”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhìn nhận.

Nói về môn thi thứ 4, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, đây là môn thi mà năm nào phụ huynh, học sinh cũng lo lắng, phấp phỏng chờ đợi. Nhưng thực tế, khi công bố kết quả thì đây lại là môn có kết quả rất cao, thậm chí là môn thi gỡ điểm cho học sinh.

Đơn cử như kỳ thi năm 2019-2020, phổ điểm môn Lịch sử (môn thi thứ 4) cao kỷ lục và là môn gỡ điểm cho các sĩ tử. Cụ thể trong 84.908 thí sinh dự thi có tới 25% thí sinh đạt 8-9 điểm, 951 em đạt 10 điểm. Môn Lịch sử cũng là môn duy nhất không có thí sinh bị điểm 0 và gần 90% số bài thi trên trung bình. Trong khi đó, môn Toán có tới 156 bài bị điểm 0, môn Ngữ văn có 56 bài điểm 0.

Mùa thi năm 2021-2022, môn thi thứ 4 tiếp tục là môn Lịch sử, dù không có “mưa điểm 10” như năm trước nhưng kết quả cũng không thấp, mức phân hóa thí sinh được trải đều.

Trong bối cảnh chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ diễn ra, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, bên cạnh 3 môn học quan trọng: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, các em học sinh cần duy trì việc học các môn còn lại ở mức độ cân bằng nhất có thể để làm sao luôn trong tâm thế sẵn sàng, nếu môn thứ 4 rơi vào môn học nào thì học sinh đều không bất ngờ, rơi vào thế bị động.

Đặc biệt, riêng đối với phụ huynh, thầy Ngọc lưu ý, thay vì tạo áp lực, mỗi bố mẹ phải là những người bạn đồng hành, hiểu rõ năng lực con mình, lựa chọn trường học phù hợp không vượt quá sức của các con. "Như vậy, việc học của học sinh mới nhẹ nhàng và không áp lực", thầy Ngọc chia sẻ.

Trước đó, năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được Sở Giáo dục công bố vào tháng 3 hàng năm.

Năm 2020, thành phố bỏ môn thứ 4 do dịch bệnh bùng phát, hai năm 2019 và 2021, Lịch sử là môn được chọn. Môn thi này được thi dưới dạng trắc nghiệm, trong 60 phút. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, đảm bảo hai cấp độ nhận biết, thông hiểu; có một số câu ở cấp độ vận dụng, không có cấp độ vận dụng cao như Toán hay Ngữ văn./.

Tác giả: Khôi Nguyên

Nguồn tin: vov.vn

  Từ khóa: môn thi ,thí sinh ,áp lực

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP