Giáo dục

Mệt mỏi với việc học ở trường, bố mẹ cho 2 con trai ở nhà tự học

Gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh ở quận Tân Bình, TPHCM đã quyết định cho cả hai cậu con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) ở nhà tự học từ năm 2014 sau khi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường.

“Sóng gió” của hai con trai ở trường công lập…

Anh Đặng Quốc Anh cho hay, vợ anh ban đầu cũng không đồng ý vì nghĩ rằng lứa tuổi học sinh không thể ở nhà nhưng qua thời gian trải nghiệm, chị cũng thấy mệt mỏi, bế tắc với việc học hành của các con ở trường.

Gia đình anh Đặng Quốc Anh quyết định cho hai con trai nghỉ hẳn phổ thông, học ở nhà.

Vợ chồng anh Quốc Anh trước đây đều là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông TP.HCM nhưng hiện tại chỉ có chị Thanh còn dạy, anh Quốc Anh xin nghỉ hẳn để chăm sóc, dạy dỗ con ở nhà.

“Một lần Nhật Anh không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài. Là một nhà giáo, tôi phản đối hình phạt đó bởi tôi cho rằng nó không hiệu quả. Giờ giải lao là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi để phục hồi khả năng tiếp thu, bắt đứng như thế làm sao các em học được. Cô chủ nhiệm lại bảo: “Em chỉ cho các cháu đứng một tuần để các cháu sợ thôi”, chị Thanh kể.

Chị cho rằng, chương trình học phổ thông của các con thừa thãi một cách vô lý, bài vở quá tải khiến các cháu nhỏ phải thức khuya mới giải quyết xong trong khi sáng mai 6h đã phải dậy đi học. Lịch học “tréo ngoe” khiến cả hai vợ chồng “quay chong chóng” đón đưa nếu con có đột xuất thêm tiết học ngắn ngoài giờ, phụ đạo chính khóa. Nhật Anh học hết lớp 10 thì gia đình cho con ở nhà tự học.

Thái Anh cũng gặp không ít “sóng gió” ở trường lớp khi vào trung học cơ sở. Anh Đặng Quốc Anh dẫn chứng: “Trong lớp, học sinh đi học thêm thì không bị truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì cô cho đến 10 trang bài tập về nhà. Làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống, đứng lên với số lần tăng gấp đôi sau mỗi lần có lỗi. Gia đình thấy bé than mỏi chân, hỏi kỹ thì mới tá hỏa.

Riêng môn tiếng Anh dù cháu học tốt, bài kiểm tra của cháu đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu cứ nói vui: “Cô hài hước quá!”.

Một ngày sau khi đi học về nhà, Thái Anh hỏi bố mẹ: “Sao anh hai được nghỉ học ở trường mà con không được?”.

Cuối cùng, gia đình anh Quốc Anh đã quyết định cho cả hai con trai tự học ở nhà để “đỡ phải lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên với chuyện học hành của con nữa”. Cuối năm 2016, cậu con trai út Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; anh cả Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015.

Thái Anh và Nhật Anh học rất tốt tiếng Anh.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện và phương pháp giáo dục tại nhà của gia đình, Dân trí đã có cuộc phỏng vấn anh Đặng Quốc Anh:

“Giải pháp tình thế hơn là chủ đích”

PV: Là một trong số ít gia đình ở Việt Nam cho các con nghỉ học phổ thông ở trường để tự học ở nhà. Anh chị có khó khăn khi đưa ra quyết định này không?

Anh Đặng Quốc Anh: Tôi biết đã có vài bé ở Hà Nội và Sài Gòn được học ở nhà ngay từ mẫu giáo. Gia đình tôi lại làm theo thực tế trên trường hơn là chủ ý ban đầu. Thấy các cháu tự học tốt hơn thì tôi quyết định thôi.

* Được biết anh cũng từng là thầy giáo chuyên về tự nhiên. Vậy khi ở nhà, anh dạy các cháu những môn học nào (ngoài môn tiếng Anh)?

- Tôi và vợ tôi đều dạy kỹ thuật nhưng chúng tôi không định hướng học hành cho con. Ở nhà, con trai lớn Nhật Anh học thi tú tài Anh IGCSE các môn Anh ngữ, Toán, Hoá, Lịch sử và Xã hội học cho kỳ thi từ 3/5/2017 ở Hội đồng Anh.

Thái Anh có nhiều thời gian hơn (muốn tốt nghiệp IGCSE Thái Anh phải đủ 16 tuổi tròn vào hè năm 2020) nên học nhiều môn hơn anh trai. Con học theo chương trình Anh các môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Lập trình Java, Thiên văn học và Nhật ngữ.

* Việc phân những môn học ở nhà có được lên kế hoạch cụ thể tương tự ở trường không? Anh chị sử dụng bộ sách nào dạy các cháu?

- Nói chung lịch học khá uyển chuyển và không áp lực. Chúng tôi chú trọng rèn luyện tính kỷ luật và niềm đam mê. Đam mê giúp vượt qua khổ luyện. Sách giáo khoa gồm: Sách Mỹ, Sách IGCSE của Cambridge (Anh quốc), Lớp học Khan Academy, Lớp học Crash Course của John Green và Hank Green và các phần mềm CBT (Computer Base Training) tôi sưu tầm được và đặc biệt là việc sử dụng Internet có sự kiểm soát chặt chẽ của phụ huynh.

* Theo gia đình, lợi ích lớn nhất của việc hoàn toàn tự học ở nhà là gì?

- Khỏi nắng mưa, khỏi bụi. Khỏi phải học theo cách của người giỏi hơn mình và cả dở hơn mình. Tránh được lãng phí thời gian, nguồn lực, sức khoẻ bởi giáo dục rập khuôn.

Học ở nhà không phải là phương pháp rẻ tiền

* Có thể nói, 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội đều cần thiết cho sự hình thành trí tuệ, nhân cách của trẻ. Cho hai con nghỉ học ở trường liệu có làm mất đi môi trường tương tác/giao tiếp với bạn bè của các cháu hay không?

- Chúng tôi bù đắp bằng cách cho chúng học ngoại khoá ở các nước xung quanh như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar; cho hai con dự các hội nghị khoa học của ICISE; làm quen với các giáo sư từ trên 80 quốc gia trên thế giới có cả các giáo sư đoạt giải Nobel.

Hai anh em và mẹ thăm nhà ga xe lửa Yangon, Myarmar.

Chúng tôi cho các con liên hệ khăng khít với anh em họ, tập giao tiếp với học trò của chúng tôi trong sự kiểm soát của gia đình. Các con được học âm nhạc, thể thao. Nhật Anh đang học guitar flamenco với thầy giáo hàng đầu của Việt Nam, Thái Anh đang học đàn piano.

* Được biết, cháu thứ hai thành thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, gia đình có dạy con học tiếng Việt không?

- Ở gia đình tôi cấm con nít nói chuyện tiếng Anh với người lớn. Chúng biết tiếng Việt có thể ít hơn bình thường nhưng thuần và trong sáng.

Thái Anh và Nhật Anh nghe thuyết minh tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore.

* Anh chị có dự định, định hướng gì tiếp theo cho chuyện học hành của hai con?

- Khi chúng tôi không dạy nổi thì chúng tôi tìm trường, tìm thầy cho chúng thôi. Không phải là chúng tôi không muốn cho trẻ đến trường mà là chưa đủ điều kiện cho chúng đến ngôi trường thích hợp. Chúng tôi luôn khao khát con em mình được thụ hưởng nền giáo dục phù hợp nhất có thể được. Không nói đến tương lai xa, giờ chúng thật đơn giản đang học để biết cách cho và để được nhận trong cuộc sống.

* Trải nghiệm phương pháp giáo dục tại nhà, anh có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh muốn áp dụng?

- Giáo dục tại nhà có nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn. Nó cần một sự chuẩn bị tốt và cố gắng liên tục không mệt mỏi. Sự chuẩn bị đầu tiên phải là sự hiểu biết của phụ huynh. Sau đó là nguồn lực của gia đình từ thời gian, công sức cho tới tiền bạc. Học ở nhà không phải là phương pháp rẻ tiền dù được xem xét ở bất cứ giác độ nào.

Tác giả bài viết: Lệ Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP