Mới làm công việc phụ xe tại xí nghiệp xe buýt Thăng Long, Hà Nội được 1 năm nhưng chị Lê Thị Minh Vũ (SN 1977, phụ xe buýt số 106) khẳng định, công việc mang lại cho chị rất nhiều cung bậc cảm xúc.
“Có lúc tôi bức xúc vì gặp phải những vị khách thiếu hợp tác, đôi khi lại hân hoan vì chuyến xe tràn ngập tiếng cười nhưng cũng có những lúc thấy tổn thương vì hành khách thiếu tôn trọng”, chị Vũ bộc bạch.
Chị Lê Thị Minh Vũ (SN 1977, phụ xe buýt số 106) khẳng định, công việc mang lại cho chị rất nhiều cung bậc cảm xúc. |
“Bên cạnh khách trên xe thì một vài trường hợp hy hữu đến từ khách đi đường cũng khiến nhà xe gặp rắc rối”, chị Lê Thị Ngọc Ánh (SN 1986, phụ xe buýt số 106), tiếp lời.
Theo chị Ánh, đó là chuyến xe chị tận mắt chứng kiến. “Chúng tôi đang đi trên đường thì một người đàn ông cầm tuýp sắt chặn xe lại. Ông ta nói, xe của chúng tôi lạng lách, chèn ép ông ta”, chị Ánh kể.
Sự việc xảy ra khiến người lái xe và cả chị Ánh đều bất ngờ. Cả hai lục lại trí nhớ nhưng tuyệt nhiên không có chuyện như người đàn ông nói.
“Xuống xe, chúng tôi vẫn hỏi han và nói lời xin lỗi. Sau đó thấy người đàn ông không có thương tích, xe máy của ông ta cũng không hỏng hóc nên chúng tôi xin phép tiếp tục cuộc hành trình.
Người đàn ông ấy đồng ý nhưng khi chúng tôi vừa quay đi thì ông ta cầm cây gậy sắt đập mạnh vào cửa xe rồi chạy mất”, chị Ánh nhớ lại.
Sau hành động của người đàn ông trung tuổi, tấm kính trên cửa xe bị vỡ tan khiến cả phụ xe và lái xe đều bức xúc.
Trên chuyến xe, phụ xe gặp được rất nhiều vị khách lịch sự, vui tính nhưng cũng có khách thiếu tế nhị. |
“Sau này, một vụ việc khác diễn ra cũng khiến tôi và phụ xe phải mất tiền oan. Số tiền không nhiều như vụ việc đền tấm kính nhưng lại khiến tôi ám ảnh”, nữ phụ xe SN 1986 bộc bạch.
Hôm đó, khoảng 6 giờ tối, tuyến buýt số 106 đang rất đông khách nhưng một người phụ nữ lam lũ vẫn cố gắng lên xe. Trên tay người này bế đứa trẻ khoảng 9 tháng tuổi, hai chân cháu bé được băng bó chặt.
“Đã là mẹ của hai đứa con nên nhìn thấy cảnh ấy, tim tôi thắt lại. Tôi cố sắp xếp để 2 mẹ con có ghế ngồi. Khi chỗ ngồi đã ổn định, tôi mới để ý người mẹ đang nước mắt lưng tròng. Chị ta nói, đứa bé bị ung thư. Hai mẹ con vừa xạ trị ở bệnh viện K về. Bây giờ muốn ra bến xe Giáp Bát để về quê Nam Định”, chị Ánh kể.
“Nghe câu chuyện của người mẹ trẻ, cổ họng tôi nghẹn lại… Sau đó, tôi và tài xế, mỗi người rút ra tờ 50 nghìn tặng cho 2 mẹ con. Nhiều người trên xe thấy vậy cũng rút tiền ủng hộ”, chị Ánh nói.
Không ngờ, 1 tuần sau, một đồng nghiệp của chị lại gặp người phụ nữ này.
“Chị ta cũng bế đứa trẻ bị băng bó 2 chân và cũng kể câu chuyện đưa con đi điều trị ung thư. Tuy nhiên lần này, chị ta nói ra bến xe Giáp Bát để về quê Thanh Hóa”, chị Ánh tiếp tục chia sẻ.
Chị Ánh vội lên mạng xã hội tìm hiểu thì phát hiện, người phụ nữ này bị nghiện. Để xin tiền, chị ta thường xuyên băng bó chân đứa trẻ và bịa ra câu chuyện ung thư để người đời thương hại.
“Biết được sự thật đó, tôi cảm thấy rất tức giận. Tôi không tiếc đồng tiền tôi cho họ nhưng tôi tiếc tình cảm mà cả tôi, lái xe và rất nhiều hành khách đã dành cho chị ta”, chị Ánh bức xúc.
Tài xế Vũ Văn Hậu cho biết, nghề phụ xe là một nghề áp lực, không phải ai cũng làm được. |
Đồng quan điểm với chị Ánh và chị Vũ về những câu chuyện này, tài xế Vũ Văn Hậu (SN 1980, xí nghiệp xe buýt Thăng Long - Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, nhà xe đón hàng trăm lượt khách lên xuống.
“Điều đó cũng đồng nghĩa, sẽ có hàng trăm tình huống có thể xảy ra trên xe. Hầu hết các tình huống, phụ xe đều là người đứng ra giải quyết. Vì vậy áp lực công việc với họ rất cao.
Nhiều người nghĩ, công việc này chỉ phù hợp với nam. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, tôi nhận ra các chị em làm phụ xe luôn có sự mềm dẻo nên trong nhiều tình huống, họ xử lý rất tốt”, tài xế Hậu nói.
Vẫn lời vị tài xế, trên xe, có nhiều khách lịch sự, cư xử nhã nhặn nhưng cũng có nhiều khách có thái độ trịch thượng, hung hãn. Họ sẵn sàng to tiếng với nhà xe nếu bị nhân viên nhà xe nhắc nhở một hành động nào đó.
“Những lúc như thế, nếu không khéo léo thì rất dễ xảy ra xô xát, to tiếng hoặc làm mất lòng khách. Tuy vậy các nữ phụ xe ở đây đều làm rất tốt công việc của mình.
Các tuyến xe tôi đã đi cùng chị em, hiếm khi có chuyện mâu thuẫn hoặc các khách hàng phải hậm hực khi xuống xe”, vị tài xế chia sẻ.
Tác giả: Thanh Tâm - Đức Tuấn
Nguồn tin: Báo VietNamNet