Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời Tổng thống Trump giải thích ông hành động như vậy là vì loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu Ảrập Xêút có thể ảnh hưởng tới giá cả và hoạt động đầu tư vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters) |
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm, ông đã thông báo tới tất cả các cơ quan hữu quan xúc tiến việc thông qua các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đang được xét duyệt tại Texas cùng nhiều bang khác.
Giới phân tích cho rằng, các diễn biến ở Ảrập Xêút sẽ không trực tiếp tác động nhiều đến kinh tế Mỹ song có thể đẩy giá xăng dầu lên cao và gia tăng áp lực lên tăng trưởng thế giới.
Mỹ hiện có một lượng dự phòng dầu lửa 645 triệu thùng, lớn nhất thế giới.
Chỉ có Tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng các kho trữ dầu chiến lược (SPR). Theo hãng tin CNN, trong lịch sử nước này, SPR mới chỉ được mở cửa 3 lần. Quyết định của ông Trump là lần thứ tư nhưng chưa được thực thi.
Ba ngày trước Giáng sinh năm 1975, Tổng thống Gerald Ford đã ký ban hành luật thành lập kho dự trữ dầu thô khẩn cấp đầu tiên của Mỹ. Ít năm trước đó, Mỹ đã chịu tác động nặng nề từ một lệnh cấm vận dầu mỏ. Khi đó, OPEC – Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ - đã lập một vòng vây siết chặt nguồn cung dầu thô của thế giới.
Ngày nay, Mỹ là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất và cũng là nguồn cung dầu thô chủ chốt, chứ không chỉ mua vào. Nhưng Washington vẫn duy trì các kho dự trữ khẩn cấp.
SPR là một tổ hợp gồm 4 địa điểm dọc các bờ vịnh Texas và Louisiana, nằm sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất. Lượng dầu dự trữ cao nhất mà SPR từng có là 727 triệu thùng vào năm 2009.
Lần mở cửa SPR gần đây nhất là tháng 6/2011, khi làn sóng nổi dậy ở Libya khiến hoạt động xuất khẩu dầu lửa toàn cầu chao đảo. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh bán ra 30 triệu thùng dầu vì lo ngại sự gián đoạn các nguồn cung có thể đe dọa đến kinh tế toàn cầu vốn vấn đang chật vật hồi phục từ cuộc Đại suy thoái.
Bất cứ lượng dầu nào lấy từ SPR đều sẽ không tạo ra một cú huých ngay lập tức cho nguồn cung toàn cầu. Sau khi được lấy khỏi kho dự trữ, dầu sẽ được bán ra thị trường trao đổi giữa các bên mua và bên bán, một tiến trình có thể diễn ra trong 2 tuần.
Các cuộc tấn công khiến sản lượng dầu của Ảrập Xêút giảm một nửa. (Ảnh: Reuters) |
Hôm 14/9, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm tấn công các nhà máy lọc dầu quan trọng của Ảrập Xêút, sử dụng 10 máy bay không người lái. Diễn biến này đã ảnh hưởng đến 50% sản lượng dầu mỏ của nước này, tương đương 5% nguồn cung dầu lửa trên toàn thế giới mỗi ngày.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet