Kinh tế

Loại quả gia vị đắt bậc nhất thế giới: Giá có lúc lên tới nửa tỷ đồng 1 kg, được trồng nhiều ở Việt Nam

Ở Việt Nam, có một loại quả gia vị là đặc sản thuộc hàng hiếm, giá bán đắt đỏ nhưng hiện được trồng ở nhiều nơi.

Loại quả gia vị với hương vị đặc biệt

Ớt Aji Charapita – một loại quả gia vị thu hút nhiều người yêu thích trồng cây, họ đang tìm kiếm hạt giống và quả để trồng thử nghiệm. Loại ớt này có gì khác biệt so với các loại ớt thông thường?

Ớt Charapita có tên khoa học là Capsicum Baccatum, thuộc họ Solanaceae. Cư dân địa phương gọi loại ớt này là "Charapas," nghĩa là một tình trạng tâm lý thoải mái. Hiện nay, ớt Charapita rất được ưa chuộng trong sản xuất thương mại.

Ớt Aji Charapita – một loại quả gia vị có kích thước nhỏ bằng hạt đậu, xuất xứ từ phía Bắc của Peru. (Ảnh: Pixabay)

Loại ớt này có kích thước nhỏ bằng hạt đậu, xuất xứ từ phía Bắc của Peru, có thể ăn sống hoặc giã thành bột gia vị. Khi ăn sống, ớt này mang hương vị của hoa quả, tạo nên điểm nhấn cho salad và các loại sốt.

Loại ớt này không chỉ quý hiếm mà còn giàu vitamin C hơn hẳn ớt thông thường. Hương vị cay nồng, thơm phức của ớt Aji Charapita để lại dư vị khó quên sau khi thưởng thức.

Ớt Charapita mọc tự nhiên, cao từ 40-55cm, và sau 90 ngày có thể thu hoạch quả. Quả ớt nhỏ, xíu, bên trong từ 12 tới 20 hạt. Vỏ giòn, ăn thơm, ăn một lần là nhớ mãi. Quả của loại ớt này có màu đỏ hoặc vàng, với độ cay đạt 50.000 Scoville, cay đến nỗi người ta nói là có thể làm "thủng lưỡi".

Quả của loại ớt này có màu đỏ hoặc vàng, với độ cay đạt 50.000 Scoville. (Ảnh: Pixabay)

Ớt Aji Charapita được coi là loại gia vị đắt giá nhất thế giới, không phổ biến nên càng hiếm và quý giá. Theo báo Dân Việt, nhà hàng hạng sang và những người giàu có ở một số nơi trên thế giới rất ưa chuộng loại ớt này.

Giá bán của ớt Aji Charapita cho các nhà hàng hạng sang ở một số quốc gia là 25.000 USD mỗi kg. Có thời điểm, giá bán có thể tăng lên đến 35.000 USD/kg.

Những lợi ích sức khỏe mà ớt Charapita mang lại

Ớt Charapita không chỉ nổi tiếng vì hương vị đặc trưng mà còn vì những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại. Ớt này chứa nước, carbohydrate, protein, chất xơ, calci, phospho, sắt, carotene, thiamin, niacin, acid ascorbic và capsaicin.

Ớt Aji Charapita được coi là loại gia vị đắt giá nhất thế giới. (Ảnh: Pixabay)

Capsaicin trong ớt Aji Charapita của Peru có lợi ích trong việc nâng cao sức khỏe đường ruột và hỗ trợ giảm cân. Thực tế, ớt này còn giúp giảm kích ứng dạ dày và là phương pháp hiệu quả cho việc điều trị loét dạ dày.

Ớt Charapita dưới dạng bột giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất có ích trong việc điều trị các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và co thắt cơ. Nó cũng thúc đẩy tiết dịch vị và giảm độ axit trong hệ tiêu hóa.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư của Mỹ, capsaicin và các chất chống oxy hóa trong ớt Charapita có khả năng hủy diệt các tế bào ung thư, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh bạch cầu và ung thư tuyến tiền liệt, nhờ vào khả năng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ của nó.

Ớt Charapita không chỉ nổi tiếng vì hương vị đặc trưng mà còn vì những lợi ích sức khỏe. (Ảnh: Pixabay)

Thêm vào đó, loại ớt này còn có tác dụng thúc đẩy tốc độ trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường khả năng đốt cháy chất béo. Do đó, việc tiêu thụ ớt Aji Charapita đều đặn có thể coi là một phần của lối sống lành mạnh, góp phần cải thiện cân nặng.

Mỗi quả ớt có 76,4 mg vitamin C, tương đương một quả cam cỡ trung bình, hỗ trợ chống oxy hóa và ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như giảm tế bào lão hóa. Chứa 428 IU vitamin A giúp bảo vệ thị lực, cùng với 240mcg beta carotene và 319 mcg zeaxanthin, tốt cho mắt và phòng ngừa thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, ớt này còn giàu các khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, magie, kali và đồng, quan trọng cho sức khỏe tổng thể.

Việt Nam trồng thành công loại quả gia vị đắt đỏ nhất thế giới

Tại Việt Nam, có người đã nhập giống ớt này từ châu Âu và trồng thành công. Ớt Charapita hiện được trồng phổ biến ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Tĩnh và Sơn La.

Cụ thể, ông Cường ở Đăk Nông đã trồng và bán ớt tươi với giá 10 triệu đồng/kg, trong khi ớt khô có giá bán là 50 triệu đồng/kg.

Tại Việt Nam, giống ớt này đã trồng thành công. (Ảnh: Pixabay)

Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, anh Lê Tiến Dũng (biệt danh Dũng "ớt), người có 3.000 mét vuông đất trồng ớt ở thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng, cung cấp trái, sản phẩm ớt Aji Charapita sấy khô để xuất khẩu cho biết, giống ớt đến từ Peru này đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012. Mặc dù vậy, mãi đến 8 năm sau, năm 2020, loại ớt này mới thực sự trở nên phổ biến và bắt đầu gây sốt. Kể từ cuối năm 2020 đến nay, nhu cầu về giống cây ớt này tăng cao. Chính vì vậy, anh Dũng, người trước đây chỉ bán sỉ ớt và xuất khẩu, đã chuyển sang cung cấp cây giống, cung cấp cây đã ra hoa và bán lẻ quả ớt cho người tiêu dùng trong nước.

Hiện nay, các chuyên gia cây giống đang ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô. Họ lấy một tế bào của cây ớt Aji Charapita mang về từ Peru, nuôi cấy trong điều kiện kiểm soát của phòng thí nghiệm, đựng trong chai thủy tinh. Sau một khoảng thời gian nhất định, cây con sẽ được đưa ra ngoài môi trường tự nhiên để phát triển.

Ớt Aji Charapita đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012. (Ảnh: Pixabay)

Anh Dũng khẳng định rằng để cây ớt phát triển và cho quả chất lượng như ớt ở Peru khi trồng ở Việt Nam, cần phải mua cây giống chất lượng cao thay vì sử dụng hạt từ quả ớt. Anh cũng tiết lộ, ở Hà Nội có phòng nuôi cấy mô chuyên biệt cho loại ớt này và mình cũng nhập cây giống từ đó về.

Ớt Aji Charapita thích hợp trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng. Nếu trời quá lạnh hoặc quá nóng, cây có thể sống nhưng cho năng suất trái thấp. Cây có tán rộng sẽ cho nhiều trái, một cây nhiều trái nhất có thể thu được vài trăm gram quả.

Để ớt Aji Charapita phát triển và cho quả chất lượng như ớt ở Peru khi trồng ở Việt Nam, cần phải mua cây giống chất lượng cao. (Ảnh: Pixabay)

Giá một cây giống nuôi cấy mô dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng/cây. Giá bán mỗi trái ớt tươi rơi vào khoảng 10.000 - 20.000 đồng/trái, và khách hàng có thể mua theo số lượng 3, 5 hoặc 10 trái.

Tại Việt Nam, cây này phát triển mạnh mẽ, dễ dàng sinh tồn với tuổi thọ có thể lên đến 5 năm. Sau khi thu hoạch, với việc chăm sóc kỹ lưỡng, cây có thể tiếp tục ra quả. Đối với những cây bị nấm, có thể sử dụng các loại thuốc diệt nấm dành cho thực vật.

Tác giả: Nguyệt Phạm (Tổng hợp)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP