Việc gắn camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải vừa bảo vệ tài sản, tính mạng của lái xe vừa bảo vệ hành khách - Ảnh: Tạ Tôn |
Trong đó, điểm đáng chú ý là Bộ GTVT đưa ra lộ trình bắt buộc lắp camera đối với các phương tiện kinh doanh vận tải nhằm kiểm soát hoạt động các phương tiện này.
Trên 340 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera
Điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị định 86 trình Chính phủ là quy định gắn thêm camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải để cung cấp hình ảnh, dữ liệu về hoạt động của tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT).
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 12 dự thảo quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.
Để tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải, tại dự thảo Nghị định, Bộ GTVT bổ sung thêm quy định đối với UBND cấp tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để xác định và chỉ đạo thực hiện gắn camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn. |
Theo Bộ GTVT, quy định này là tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo Nghị định chỉ quy định thiết bị GSHT của xe phải bảo đảm “Lưu giữ và truyền dẫn các thông tin theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”. Bộ Tư pháp đề nghị cần quy định rõ yêu cầu về thông tin mà thiết bị GSHT phải đáp ứng tối thiểu. Kinh nghiệm các nước tiên tiến, bắt buộc lắp camera kết nối GSHT trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết, quy định trên thực hiện theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm.
Việc thực hiện được nêu cụ thể theo từng giai đoạn. Theo đó, sẽ áp dụng trước ngày 1/7/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1/7/2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc; trước ngày 1/7/2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1/7/2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, quy định trên nếu thực hiện sẽ có tác động trên 340 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải. Theo đó, các đơn vị này phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có thêm chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe.
“Trên thị trường, giá một bộ thiết bị GSHT có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh khoảng 4 - 5 triệu đồng. Cùng đó, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1.500 - 1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỉ đồng/năm”, Bộ GTVT cho biết.
Giám sát lái xe qua camera giúp doanh nghiệp quản lý được hoạt động của xe trên suốt hành trình (Trong ảnh: Lái xe khách tại bến xe Miền Đông) - Ảnh: Tạ Tôn |
Nên nâng cấp, bổ sung thiết bị tích hợp vào thiết bị GSHT
Ông Nguyễn Mạnh Trung, lái xe hãng taxi Ba Sao cho rằng, thời gian qua, những vụ cướp taxi diễn ra khá nhiều, lái xe taxi luôn nơm nớp lo sợ tính mạng của mình. Camera giám sát sẽ giải quyết vấn đề này. Khi camera được tích hợp với thiết bị GSHT, hình ảnh liên tục được truyền về trung tâm nên không tên cướp nào liều lĩnh gây án trước camera.
Bày tỏ đồng tình với quy định trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc giám sát hành khách hay lái xe qua camera đều cần thiết vì sẽ phát hiện được nếu xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách, lái xe nghe điện thoại, ngủ gật. Hình ảnh này có thể rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quản lý được hoạt động của xe và dữ liệu hình ảnh có thể tính được doanh thu, hạn chế được gian lận.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, phần lớn doanh nghiệp có lẽ sợ khoản chi phí đầu tư ban đầu. Lãnh đạo các doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát này. Lái xe lo sợ bị kiểm soát về giá cước, hành trình, sự riêng tư và tìm cách chống đối. Ngoài ra, thói quen vận hành, quản lý hệ thống một cách thủ công từ trước cũng là một cản trở.
Cũng theo ông Thanh, vấn đề lo ngại nhất là các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, tăng chi phí hàng nghìn tỷ, đồng nghĩa tăng chi phí xã hội. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi chính là người dân, bởi doanh nghiệp sẽ cộng vào kinh phí vận chuyển.
Nếu doanh nghiệp không nhận thức được tầm quan trọng của thiết bị GSHT, họ sẽ lắp thiết bị đối phó như lắp hàng kém chất lượng, gây lãng phí. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã lắp thiết bị GSHT theo lộ trình của Nghị định 86. Thiết bị này là công cụ quản lý hữu hiệu giúp doanh nghiệp nắm được các thông tin về phương tiện, người lái như: vị trí, vận tốc, lộ trình, thời gian lái xe… Đồng thời, hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc, thời gian tài xế điều khiển xe, xe chạy theo lộ trình nào. Hiện, cơ quan quản lý còn chưa khai thác hiệu quả và triệt để thiết bị này. Tới đây, cần tích hợp, hoặc nâng cấp, bổ sung thiết bị để khai thác hết công năng của thiết bị GSHT hiện tại, tránh lãng phí đầu tư.
“Đa số doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ lẻ, trong khi các doanh nghiệp lớn họ đã tự ý thức ứng dụng công nghệ để quản lý. Cơ quan chức năng nên tập trung khai thác hết chức năng của thiết bị GSHT là giải pháp quản lý xe kinh doanh vận tải hữu hiệu”, ông Thanh nói.
Tác giả: Trần Duy
Nguồn tin: Báo Giao thông