Gia đình anh Trần Văn Vinh ở xóm 11 là hộ đầu tiên của xã Nghĩa Hưng thực hiện thành công mô hình nuôi gà thả đồi theo hướng hàng hóa. Với cách nuôi gối vụ, mỗi năm 6 lứa, trung bình mỗi lứa từ 1.500 - 2.000 con gà, vào dịp Tết gia đình tăng tổng đàn lên 4.000 con.
Đàn gà trống thả đồi của gia đình anh Trần Văn Vinh - xóm 11, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn). Ảnh: Minh Thái |
Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, anh Vinh cho biết: Dịp Tết, người dân chủ yếu mua gà trống để cúng, phục vu nhu cầu tâm linh truyền thống. Chính vì vậy, gia đình anh cũng tập trung nuôi gà trống đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để có đàn gà khỏe mạnh, mã đẹp, ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vacxin, khi gà mới được 25 ngày tuổi gia đình cho gà uống nước tỏi, xông chuồng bằng bồ kết để kháng bệnh viêm ruột, cầu trùng và cảm cúm. Gà được bổ sung các loại thức ăn như: rau, lúa, cám để gà chắc thịt, thơm ngon.
Anh Trần Văn Vinh cho biết thêm: “Nuôi gà thả vườn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên, dịch bệnh ít xảy ra, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi nhốt, thịt gà chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Nhiều gia đình ở Nghĩa Hưng đã tận dụng diện tích vườn đồi để thả gà. Ảnh: Minh Thái |
Theo tính toán của người chăn nuôi, nếu giá dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã có lãi. Năm nay, phấn khởi hơn, nhiều mặt hàng nông nghiệp giảm mạnh, nhưng giá gà vẫn bình ổn với mức 80.000 - 85.000 đồng/kg. Tính ra sau hơn 3 tháng chăm sóc, mỗi con gà cho lãi 40.000 đồng. Gia đình anh Vinh nuôi mỗi năm khoảng 6 lứa, nếu thuận lợi, gà không bị dịch bệnh, thì mức lợi nhuận khoảng 350 - 400 triệu đồng/năm.
Cũng theo xu hướng này, hộ anh Trần Văn Sơn ở xóm 12, cũng tăng đàn gấp đôi vào dịp Tết, với tổng đàn hơn 1.000 con. Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi gà ta, anh Sơn hiểu rõ con gà qua từng biểu hiện nhỏ nên việc chăn nuôi khá thuận lợi. Anh chia sẻ: “Tôi thấy việc nuôi gà đồi ít tốn công, đầu ra cũng dễ, giá cả ổn định. Việc nuôi theo mô hình thả đồi, có chuồng trại sẽ giúp chúng tăng sức đề kháng, tăng chất lượng thịt gà khi xuất chuồng. Gà con khoảng 3 ngày tuổi mua về nếu được chăm sóc tốt hơn 3 tháng có thể xuất bán, khi đó gà có trọng lượng khoảng 1,7 - 2kg”.
“Mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường gần 3.500 - 4.000 con gà, tương đương hơn 12 tấn gà thịt. Với mức giá ổn định 80.000 - 85.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về hơn 150 - 200 triệu đồng/năm” - anh Sơn phấn khởi cho biết thêm.
Người dân chủ yếu nuôi gà trống để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Thái |
Trong quá trình sản xuất, Hội nông dân xã Nghĩa Hưng đã mở các lớp tập huấn chăn nuôi thú y cho các hội viên, đồng thời tích cực chỉ đạo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và VietGAP để đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm khi xuất bán.
Ông Phạm Văn Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng cho hay: “Thời gian qua, ở xã Nghĩa Hưng có phong trào nuôi gà thả đồi, tập trung ở xóm 11 với nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi gà theo hướng này và cho thu nhập cao”
Hiện nay, gà nuôi bằng thảo dược, thả đồi ở xã Nghĩa Hưng đã được nhiều người biết đến. Để người nông dân có hướng đi bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu gà Nghĩa Hưng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Tác giả: Minh Thái
Nguồn tin: Báo Nghệ An