Biển Cửa Lò vốn nổi tiếng là nơi có bãi biển dài và khá sạch so với nhiều bãi tắm ở miền Bắc, lượng khách quy tụ về đây dịp hè hay nghỉ lễ là rất lớn. Vì thế, kinh doanh bất kể một mặt hàng nào tại đây cũng đều cho doanh thu rất khá, nhất là những hoạt động gắn liền với biển.
Khi màn đêm buông xuống, là lúc các hoạt động vui chơi trên bãi biển cũng đã tạm dừng, nhường chỗ cho thuyền cá, thuyền thúng câu mực đêm ra khơi. Những chiếc thuyền nhỏ với ánh sáng trắng le lói, nhìn từ xa chẳng khác gì những ngôi sao. Nếu không nhìn kĩ, rất dễ nhầm mặt biển và bầu trời đã hòa chung làm một.
Lang thang dọc bờ biển, cứ 5 - 10 phút lại có 1 thuyền thúng chở khách câu mực vào bờ với những chậu mực nháy (mực tươi còn nhấp nháy) đầy ắp. Trên chiếc thuyền thúng tưởng như chòng chành ấy, lúc nào cũng có tới 4 - 6 khách ngồi xếp kín 2 bên.
Là người đã dẫn khách đi câu mực đêm hơn chục năm nay, anh Hoàng Văn An ở Nghi Hương, Nghệ An cho hay, “Không chỉ khách nước ngoài, mà ngay cả khách du lịch trong nước cũng rất thích thú với việc chèo thuyền ra ngắm biển đêm và câu mực. Mới đầu còn rụt rè vì sợ thuyền không an toàn, nhưng khi ra khơi rồi nhiều du khách còn sẵn sàng trả thêm tiền để thêm thời gian.”
“Du lịch biển, cả năm chỉ trông vào 3 tháng hè, nên vừa vào dịp nghỉ lễ là tôi đã bắt đầu mang thúng ra biển để đưa khách đi câu. Mấy ngày lễ, khách chưa nhiều như vào hè, nhưng tính ra trung bình mỗi đêm cũng phải được 3 – 4 chuyến, mỗi chuyến 6 người “bèo” nhất cũng được 300.000 đồng. Nếu chuyến nào chỉ có 3 – 4 khách thì thu phí cao hơn 1 chút để bù vào. Nên mỗi đêm cũng phải được trên dưới 1 triệu đồng mà không phải bỏ ra đồng nào”, anh An cho biết.
Không mất thêm tiền bởi đồ dùng đi câu anh An chỉ phải sắm 1 lần, một chiếc thuyền thúng làm đúng kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí và được sử dụng, bảo quản tốt thì tuổi thọ có thể lên đến 12 - 15 năm. Hiện, giá mỗi chiếc thuyền thúng dao động từ 1.200.000 đồng/chiếc đến 2.600.000/chiếc, tùy vào kích cỡ và tùy vào số nan.
Ngoài ra, anh An cũng chỉ phải sắm thêm đèn, vợt mực, lưỡi chùm, dây cước, còn mồi dụ mực là miếng nhựa có thể phản quang trong đêm. Nhưng những chi phí này anh chỉ mất độ hơn 1 tuần là gỡ lại vốn, quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm và biết chỗ nào nhiều mực để đưa khách ra.
Chia sẻ về công việc này anh An thật thà: "Biển ở đây cả năm cũng chỉ trông vào 3 tháng hè là còn có đồng ra đồng vào, chứ vào những tháng còn lại, làm nghề chài lưới cũng chỉ đủ ăn. Nên không riêng gì tôi, hầu hết những người sống nhờ biển ở đây đều cố gắng làm thêm những ngày hè, bất kể ngày hay đêm."
"Cả gia đình tôi đều đi làm, ban đêm tôi đưa khách đi câu mực, ngày thì đổ hải sản cho các ki-ốt, vợ thì bán thêm kem, bánh bao dọc bãi biển. Con trai lớn thì đi bán diều, đồ chơi, còn cháu nhỏ ở nhà lo cơm nước và đưa cơm cho mọi người. Giá cả lại không được "chặt chém" nên cả gia đình phải lao động cật lực mới có tiền, vừa là để chi tiêu vừa là để cho các cháu ăn học và có cuộc sống tốt đẹp hơn", anh An chia sẻ.
Trải nghiệm khi câu mực đêm tại biển Cửa Lò
Tự tay xếp những con mực vừa câu được vào túi, Vương Nữ Ngọc Ánh - nhân viên một công ty trò chơi tại Hà Nội cho hay: “Tranh thủ dịp nghỉ lễ về quê chơi, mình lại cùng nhóm bạn ôn lại kỉ niệm cũ hồi cấp 3. Lần nào về Cửa Lò chơi, bọn mình cũng đi câu mực. Vì vừa được trải nghiệm cảm giác vô cùng thú vị khi ngắm những con mực lấp lánh dưới ánh đèn, lại được ăn mực tươi ngon 100%.”
“Nếu may mắn được trải nghiệm, khi ra khơi các chủ thuyền sẽ hò những điệu hò miền trung da diết. Ngồi ngắm biển đêm, nghe câu hò xứ Nghệ sẽ làm du khách cảm thấy yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây”, Ánh chia sẻ.
"Giá 1 lần đi ra câu cũng không cố định, thuận mua vừa bán thì có thể mặc cả, với nhóm 4 người bọn mình thuê 1 thúng hết 300.000 đồng. Nhưng lại câu được 2 kg mực, tính ra thì không hề lỗ bởi mỗi cân mực tươi vừa câu từ biển về cũng đã có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Mực này có thể ăn ngay với mù tạt hoặc chủ thuyền sẽ luộc ngay bằng đèn dầu hoặc bếp ga du lịch mà không mất thêm khoản phí nào", Ánh chia sẻ.
Cũng vừa trở về từ một thuyền thúng khác, chị Trịnh Minh Hằng - sinh viên đang theo học tại Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Cảm giác rất thú vị bởi bạn như đang ngồi trên 1 cốc nước. Khi mới lên sẽ hơi sợ, người lái thuyền sẽ dặn bám chặt vào mạn thúng, đi một lát sẽ cảm thấy quen, ai không say sóng thì sẽ không có vấn đề gì. Thúng cũng không ra quá xa bờ, chỉ khoảng 1 km đổ lại và tất cả khách đều được mặc áo phao đầy đủ nên khá an toàn.”
“Cách câu mực cũng khá đơn giản, thường thì sẽ có 2 cách, chỉ cần thả lưỡi câu đã được buộc với 1 miếng nhựa phản quang làm mồi dụ xuống và đợi mực cắn câu. Hoặc có thể rọi đèn vào miếng nhựa phản quang, đợi mực đến thì dùng vợt để vớt lên, cách này sẽ vớt được nhiều hơn nhưng phải thật nhanh tay.”, Hằng cho biết thêm.
Trở về bờ, nhiều du khách thích thú cho rằng, đến Cửa Lò mà không đi câu mực đêm thì không gọi là đi Cửa Lò.
Tác giả bài viết: Thế Hưng
Nguồn tin: